LS Nguyễn Thùy Dương

Điều kiện, thủ tục và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Tôi hiện là bảo vệ của một trường tiểu học tại Bà Rịa Vũng Tàu. Tôi đã tham gia đóng BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật đối với công chức ngành giáo dục từ 1/09/2001, đến ngày 17/10/2016 là đủ 60 tuổi tôi phải nghỉ việc theo quy định của pháp luật


như vậy tôi chưa đủ năm công tác để được hưởng chế độ hưu trí. Mức lương hiện tôi đang hưởng là bậc 8/12 hệ số 2.76 được hưởng từ ngày 01/04/2015. Liệu tôi có thể tham gia tiếp tục đóng BHXH tự nguyện đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu được không? Tôi phải hoàn tất những thủ tục gì? và số tiền phải đóng được tính như thế nào? Nếu được đóng BHXH tự nguyện, trong thời gian đóng tôi có được cấp thẻ BHYT tiếp tục không?  xin chân thành cảm ơn !

Trả lời tư vấn:
Cảm ơn chú đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chú chúng tôi tư vấn như sau:

Câu hỏi thứ nhất : Liệu tôi có thể tham gia tiếp tục đóng BHXH tự nguyện đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu được không?

Theo thông tin chú đưa ra thì đến ngày 17 tháng 10 năm 2016 chú mới nghỉ hưu, với thời điểm chú nghỉ hưu Luật BHXH 2014 đã có hiệu lực (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) vì vậy trường hợp của chú sẽ được áp dụng theo luật BHXH 2014.

Điều 73 Luật BHXH 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu:

1. NLĐ hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
2. NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Như vậy, đối chiếu với khoản 2 Điều 73 luật BHXH 2014 nếu chú đủ 60 tuổi mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì chú có quyền tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.


Câu hỏi thứ hai : Tôi phải hoàn tất những thủ tục gì?

Chú phải hoàn tất các thủ tục sau:

Bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc và tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện.

Do chú đã tham gia đóng bảo hiểm nên hồ sơ thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của chú sẽ bao gồm:

+Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (mẫu số 01-TN)

+Bản sao giấy khai sinh

+Sổ BHXH;

+ Bản quá trình đóng BHXH (do cơ quan BHXH nơi đi cấp);

+Đã tham gia BHXH bắt buộc: nếu không có bản quá trình đóng BHXH thì nộp kèm bản photo sổ BHXH;

+CMND để đối chiếu với sổ BHXH.

 Như vậy chú có thể liên hệ với BHXH huyện, thành phố nơi có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú để được hướng dẫn cụ thể.

 Câu hỏi thứ ba: và số tiền phải đóng được tính như thế nào?

Số tiền chú phải đóng để tham gia BHXH tự nguyện như sau :

Mức đóng, phương thức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện được quy định theo Điều 26, Nghị định số 190/2007/NĐ-CP thì người tham gia tự lựa chọn mức đóng, tùy theo mức thu nhập của mình. Năm 2010, mức đóng thấp nhất bằng 18% lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 lần mức thấp nhất. Từ năm 2012 mức đóng thấp nhất bằng 20% và năm 2014 trở đi đóng thấp nhất bằng 22% lương tối thiểu chung.
Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn (gọi tắt là mức thu nhập tháng): thấp nhất bằng lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 lần lương tối thiểu chung.

 Mức thu nhập tháng = Mức lương tối thiểu chung + m× 50.000 (đồng/tháng)

 Trong đó: m là số nguyên lớn hơn hoặc bằng 0 (do người tham gia lựa chọn).
- Phương thức đóng: lựa chọn có thể đóng hàng tháng hoặc hàng quý hoặc 6 tháng một lần.
- Thời điểm phải đóng: 15 ngày đầu tháng đối với phương thức đóng hàng tháng; 45 ngày đầu quý đối với phương thức đóng hàng quý; 3 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần.
Trường hợp đã đóng theo phương thức đóng hàng quý hoặc 6 tháng một lần, mà trong thời gian đó Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì không phải truy đóng số tiền chênh lệch so với mức lương tối thiểu mới.

Câu hỏi thứ tư: Nếu được đóng BHXH tự nguyện, trong thời gian đóng tôi có được cấp thẻ BHYT tiếp tục không?

Luật BHXH 2014 tại Điều 4 quy định như sau:

1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các chế độ sau đây:
a) ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.

2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.

Nghị Định 190/2007 tại Điều 7. Quyền và trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Điều 15 và Điều 16 Luật bảo hiểm xã hội
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có các quyền sau đây:
a) Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;
b) Nhận lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội tự nguyện đầy đủ, kịp thời, thuận tiện theo quy định của Nghị định này;
c) Hưởng bảo hiểm y tế khi đang hưởng lương hưu;

Như vậy, nếu chú đang trong thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất mà không được cấp thẻ BHYT. Chỉ hưởng bảo hiểm y tế khi đang hưởng lương hưu. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện, thủ tục và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Nông Trang - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo