Luật sư Vũ Đức Thịnh

Điều kiện nghỉ hưu theo nghi định 108/2014/NĐ-CP và theo luật bảo hiểm xã hội

Câu hỏi đề nghị tư vấn thứ nhất: Tôi là giáo viên tiểu học. Đóng bảo hiểm 27 năm và năm nay 2016 tôi 46 tuổi. Nay do sức khoẻ tôi ko đảm bảo muốn về hưu sớm có được không? Tôi cần p làm những giấy tờ gì? Ở đâu? Thời gian là bao lâu? Rất mong dc CTy luật tu vấn!

 

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự thông qua một hoặc một số bài viết cụ thể sau đây:


Điều kiện, mức hưởng và hồ sơ hưởng lương hưu theo luật bhxh 2014

 

Như vậy, nếu vào năm 2016, bạn là nữ, đủ 46 tuổi, suy giảm từ 61% khả năng lao động trở lên thì bạn có thể làm hồ sơ xin về hưu trước tuổi.

 

Theo điều 110 Luật bảo hiểm xã hội 2014, trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động được hưởng lương hưu, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định  cho cơ quan bảo hiểm xã hội.  Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

 

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!



==========================

Câu hỏi đề nghị tư vấn thứ hai - Điều kiện nghỉ hưu theo nghi định 108/2014/NĐ-CP và theo luật bảo hiểm xã hội

Tôi là nữ, sinh 04/1965 đã đóng BHXH 30 năm. Công tác tại Ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT. Qua tham khảo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014. Tôi muốn nghỉ hưu trước tuổi vì nhiều lý do khó bố trí công việc, đi làm xong công việc ít không đúng chuyên ngành đào tạo. Vậy tôi có thuộc đối tượng điều chỉnh để nghỉ hưu theo nghị định 108 nói trên không? Nếu không thì văn bản pháp luật nào để điều chỉnh nghỉ hưu trước tuổi đối với trường hợp cá nhân tôi.

 

Trả lời tư vấn: Chào bác! Cảm ơn bác đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bác chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự thông qua một hoặc một số bài viết cụ thể sau đây:


Vấn đề tinh giản biên chế và chính sách tinh giản biên chế

 

Như vậy, muốn về hưu theo nghị định 108/2014/NĐ-CP, bác phải thuộc đối tượng áp dụng của nghị định 108/2014/NĐ-CP và nằm trong các trường hợp được tinh giản biên chế tại nghị định này. Lý do bác đưa ra khá khái quát nên rất khó để đánh giá bác có thuộc các trường hơp tinh giản biên chế hay không? Bác có thể dựa vào hướng dẫn theo đường link trên để xét về điều kiện của mình. Khi thuộc đối tượng tinh giản bác có thể có đơn xin nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế lên đơn vị làm việc của bác để xét nghỉ theo tinh giản biên chế. 

 

Trường hợp đơn vị làm việc của bác xét trường hợp của bác không thuộc các trường hợp được nghỉ theo tinh giản biên chế, nếu bác vẫn muốn nghỉ hưu trước tuổi thì bác có thể xin nghỉ theo quy định tại Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội 2014.

 

Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

 

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

 

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

 

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

 

Bác hiện nay đã đủ 51 tuổi, có 30 năm tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu bác suy giảm từ 61% khả năng lao động trở lên thì bác có thể về hưu trước tuổi. Tuy nhiên, về hưu trước tuổi theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, bác sẽ bị giảm trừ mức hưởng hàng tháng, mỗi năm về hưu trước tuổi bị giảm trừ 2%. Cụ thể, bác tham khảo theo hướng dẫn dưới đây:

 

Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi 2014 và mức hưởng lương hưu


Bác tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

 

==========================

Câu hỏi đề nghị tư vấn thứ ba - Điều kiện hưởng lương hưu và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Xin Luật sư cho em hỏi: Chị em đến tháng 8/2017 là đủ tuổi nghỉ hưu nhưng mới đóng BHXH được 15 năm 8 tháng thì có được hưởng lương hưu không?. Nếu được thì quy định ở thông tư, nghị định nào? Còn chưa được hưởng thì phải làm gì?. Em xin cảm ơn ạ!

 

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự thông qua một hoặc một số bài viết cụ thể sau đây:

 

Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:

 

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

 

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

 

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

 

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

 

2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, trừ trường hợp Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật công an nhân dân, Luật cơ yếu có quy định khác;

 

b) Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

 

c) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

 

3. Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

 

Như vậy, chỉ có duy nhất trường hợp với lao động nữ không chuyên trách hoặc chuyên trách tại xã phường, thị trấn tham gia bảo hiểm từ đủ 15 năm nhưng  đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu còn các trường hợp khác thì buộc có phải từ đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội trở lên mới xét đến điều kiện nghỉ hưu.

 

Trường hợp của chị bạn, khi chấm dứt hợp đồng chưa đủ điều kiện về số năm tham gia bảo hiểm xã hội thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ 20 năm BHXH.

 

Điều 9 nghị định 134/2015/NĐ-CP nghị định quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định về phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm:

 

Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hộiđược quy định như sau:

 

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

 

a) Đóng hằng tháng;

 

b) Đóng 03 tháng một lần;

 

c) Đóng 06 tháng một lần;

 

d) Đóng 12 tháng một lần;

 

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

 

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

 

Sau khi đóng bảo hiểm tự nguyện đủ 20 năm BHXH, chị bạn có thể làm hồ sơ hưởng lương hưu.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện nghỉ hưu theo nghi định 108/2014/NĐ-CP và theo luật bảo hiểm xã hội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo