Trần Diềm Quỳnh

Điều kiện nghỉ hưu đối với người lao động công tác ở khu vực 0,7

Tư vấn về trường hợp: điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2006. Nội dung tư vấn như sau:


Nội dung đề nghị tư vấn:
 
Kính chào Luật Minh Gia
Ở Nghị Định 108 và Thông tư 01 hướng dẫn Nghị định có nêu rất rõ về việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhưng còn một chỗ tôi  thắc mắc và muốn nhờ Luật Minh Gia tư vấn giúp ạ. Tôi sinh ngày 10/12/1962, tôi đã công tác liên tục 32 năm ở khu vực có hệ số 0,7 trong 1 Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo quy định thì tại Khoản 1, Điều 50 Luật BHXH 2006 thì tôi có thể nghỉ hưu trong giai đoạn năm 2017 (đủ 55 tuổi) đến năm 2022 (đủ 60 tuổi) bất kỳ lúc nào.Tuy nhiên khi tôi đăng ký về hưu trước tuổi theo Nghị định 108 thì tôi được cán bộ Phòng Tổ chức Cán bộ giải thích:
Nếu tôi nghỉ năm 2016 thì Tôi thuộc đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 108. (vì đang ở khu vực 0,7). Nếu không đăng ký vào năm 2016 thì đến năm 2017 (khi đủ 55 tuổi thì tôi sẽ không được hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo Nghị định 108 nữa mà chỉ được hưởng theo quy định của Pháp luật về BHXH. Vì tôi công tác ở khu vực 0,7 nên bắt buộc phải thực hiện theo Khoản 3, Điều 8 Nghị định 108.
Vậy cho tôi hỏi: Tôi có thể đăng ký về hưu trước tuổi vào năm 2017 theo Khoản 2, Điều 8 Nghị định 108 hay không?
Và giải thích cho tôi rõ. Vì quy định của pháp luật rất không rõ ràng về thời gian nghỉ hưu của người lao động có thời gian công tác tại khu vực 0,7. (Từ đủ 55 đến đủ 60 tuổi. Sao không phải là 1 con số cụ thể?)
 
Mong nhờ Luật Minh Gia tư vấn giúp ạ. Tôi chân thành cảm ơn!
 
Trả lời: cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Thứ nhất, bạn cần phải lưu ý rằng Nghị định 108/2014/NĐ-CP chỉ áp dụng với các trường hợp tinh giản biên chế. Mời bạn tham khảo bài viết sau của chúng tôi: Nghỉ hưu theo Nghị định 108/NĐ-CP”. Nếu như bạn thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định 108 /2014/NĐ-CP thì mới áp dụng chính sách về hưu trước tuổi theo Nghị định này.
 
Thứ hai, nếu như bạn thuộc đối tượng nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP  thì chúng tôi sẽ tư vấn về nội dung bạn thắc mắc như sau:
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Nghị định 108 có quy định như sau:
 
“2. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều này và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;
 
3. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.
 
Khoản 2 như trên quy định rất rõ ràng: đó là trường hợp thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định này nếu như đủ 55 tuổi đến 58 tuổi đối với nam và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Và đồng thời được hưởng chế độ quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 108: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương
 
Và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội (nam phải đủ 60 tuổi).
 
Có nghĩa rằng tại khoản 2 này không phân biệt nơi công tác ở đâu, tức là áp dụng chung. Nếu như bạn thuộc đối tượng tinh giản biên chế vào năm 2017 thì bạn sẽ được hưởng theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 108.
 
Thứ ba, trả lời cho câu hỏi của bạn: “Và giải thích cho tôi rõ. Vì quy định của pháp luật rất không rõ ràng về thời gian nghỉ hưu của người lao động có thời gian công tác tại khu vực 0,7. (Từ đủ 55 đến đủ 60 tuổi. Sao không phải là 1 con số cụ thể?)”
 
Pháp luật quy định rất rõ ràng về chế độ nghỉ hưu, về tuổi nghỉ hưu, mức từ đủ 55 tuổi đến 60 tuổi là để mở cho người lao động có quyền lựa chọn thời điểm nghỉ lúc nào cũng được tùy điều kiện sức khỏe của người lao động . Khu vực 0,7 chỉ là điều kiện ưu tiên dành cho khu vực có điều kiện không tốt.
 
Như vậy, nội dung trên chúng tôi tư vấn dựa trên nội dung bạn đề nghị tư vấn. Nếu như còn chưa phù hợp với nội dung của bạn, mời bạn gửi ý phản hồi tới chúng tôi.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện nghỉ hưu đối với người lao động công tác ở khu vực 0,7. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Tư vấn viên: Hoàng Huyền – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo