Nguyễn Thu Trang

Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản và mức hưởng

Chế độ thai sản là một chế độ của bảo hiểm xã hội, gồm các quy định của Nhà nước nhằm đảm bảo thu nhập và đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ nói riêng khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ. Điều này không chỉ có ý nghĩa nhân văn vô cùng to lớn với người tham gia bảo hiểm xã hội mà còn đảm bảo sự cân bằng về thu nhập trong xã hội.

 

1. Luật sư tư vấn Luật Bảo hiểm xã hội

Nhà nước luôn chú trọng quan tâm, tạo điều kiện, xây dựng chính sách để người lao động nữ có thể yên tâm sinh con, trong đó phải kể đến các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội với chế độ thai sản dành cho lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Với quy định như vậy, đặc biệt là với lao động nữ sẽ giúp cho lao động nữ có thể yên tâm thực hiện thiên chức làm mẹ của mình và đảm bảo cho con có được môi trường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất.

Liên quan đến chế độ thai sản, có nhiều người lao động còn chưa hiểu đúng và đầy đủ để nắm rõ các quyền lợi của mình. Ngoài ra, làm thế nào để được hưởng chế độ này tốt nhất cũng nhiều người chưa biết cách thực hiện. Từ đó, sự tư vấn của những người có kiến thức pháp luật sẽ giúp bạn có được quyền lợi hưởng thai sản tốt hơn.

Vậy điều kiện để hưởng chế độ thai sản là gì? Làm thế nào để đáp ứng được các điều kiện đó? Mức hưởng thai sản là bao nhiêu, gồm những gì?... Nếu bạn còn vướng mắc về vấn đề trên, Luật Minh Gia sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc bằng cách bạn hãy gọi qua Tổng đài Luật sư trực tuyến của chúng tôi: 1900.6169 hoặc gửi câu hỏi đến Email tư vấn.

2. Tư vấn các vấn đề về chế độ thai sản

Nội dung yêu cầu tư vấn: Em tham gia bhxh từ tháng 10.2019 đến tháng 8.2020. Hiện em đang mang thai 4 tháng và dự sinh vào 14.2.2021. Do áp lực công việc nên em muốn nghỉ việc nhưng em không biết mình có được hưởng chế độ thai sản trong trường hợp:

1. Nếu em xin nghỉ việc và xin chốt sổ bhxh thì em có đc hưởng chế độ thai sản không? Nếu có thì cách tính và thủ tục như thế nào?

2. Nếu em xin nghỉ việc nhưng không chốt sổ bhxh thì e có phải đóng bhxh duy trì đến lúc sinh không? Nếu em không đóng duy trì thì em có được hưởng chế độ thai sản không?

Nội dung tư vấn: Cám ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”

Theo quy định của pháp luật về điều kiện được hưởng chế độ thai sản thì chị đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản đó là đã đóng đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Nếu chị xin nghỉ việc và chốt sổ Bảo hiểm xã hội thì chị sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản bao gồm:

+) Sổ BHXH;

+) Giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con (Bản sao chứng thực);

+) CMTND hoặc CCCD (bản sao chứng thực)

+) Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thai sản.

Sau khi có đầy đủ hồ sơ như trên, chị mang ra BHXH nơi công ty cũ đóng BHXH cho chị ở quận nào thì nộp hồ sơ tại bộ phận 1 cửa của BHXH tại quận đó. BHXH sẽ thụ lý hồ sơ cho chị và hoàn tất thủ tục hưởng chế độ thai sản.

Mức hưởng BHXH được tính như sau:

Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014 về mức hưởng chế độ thai sản như sau:

Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.”

Trường hợp chị tự ý nghỉ việc thì công ty sẽ không chốt sổ bảo hiểm, dẫn đến việc hưởng chế độ thai sản có thể không được giải quyết do sổ BHXH chưa được chốt quá trình tham gia. Trong trường hợp này thì chị không cần đóng BHXH duy trì đến lúc sinh vì chị đã đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Mặt khác, khi chị không đi làm việc thì chị không đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nếu chị nghỉ việc và công ty đồng ý chốt sổ BHXH cho chị thì chị có thể tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ áp dụng cho chế độ hưu trí và chế độ tử tuất mà không được tính vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ thai sản.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo