LS Vy Huyền

Điều chuyển làm công việc khác khi người lao động ốm đau

Luật sư tư vấn về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động. Người lao động đang ốm đau có phải thực hiện yêu cầu chuyển đi làm công việc khác trái với hợp đồng không?


Nội dung cần tư vấn:

Chào luật sư cho tôi hỏi, tôi đi làm từ tháng 10 năm 1996 đến tháng 7 năm 2015 được 18 năm 10 tháng làm công tác kế toán tai văn phòng công ty. nay lãnh đạo công ty điều động tôi làm lễ tân khách sạn. Công việc của lễ tân có khi phải làm cả việc buồng và giặt giũ, tôi nuôi 2 con cháu lớn sinh 2002, cháu nhỏ sinh 2008. Tôi bị bệnh phồng đĩa đệm và rách bao xơ, bác sỹ khuyên nếu có điều kiện nên nằm bất động ít nhất 6 tháng, nhưng vì hoàn cảnh tôi vẫn phải đi làm. Vợ chồng tôi đã ly dị. Nay công ty điều tôi lên khách sạn từ 1/8/2015, nhưng tôi ko thể đảm nhận làm việc đó được, và tôi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trong 45 ngày chưa được giải quyết đó tôi có thể đi nằm viện mà vẫn đúng luật không (vì tôi không muốn đi làm). Có thể đi làm tôi sẽ phải làm đêm, hoặc làm ca ngày từ 7h sáng tới 10h đêm. xin luật sư hãy giúp tôi. Tôi xin cảm ơn

Trả lời: Cảm ơn bác đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bác, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012 quy định:

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Thứ hai, Điều 37 Khoản 3 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Do vậy 45 ngày này chỉ là thời hạn cho việc báo trước nên bác vẫn phải đi làm như bình thường và sau 45 ngày, bác có thể nghỉ việc. Tuy nhiên, trong thời gian này, bác có thể nghỉ với lý do ốm đau, kèm theo giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh. Trong thời gian này, bác có thể nghỉ hưởng chế độ ốm đau phù thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bác.

 

Trân trọng.
Luật gia: Trần Hoàng Việt – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo