LS Vũ Thảo

Điều chuyển khu vực làm việc với người lao động đang mang thai?

Lao động nữ đang mang thai có được điều chuyển nơi làm việc hay không? Cụ thể như sau:

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi thử việc tại công ty từ ngày 25/2/2016, theo quy định của công ty là thử việc 2 tháng. ( Công ty cũng không gửi offer thử việc, chỉ gọi tôi đi làm và hứa sẽ gửi sau) . Sau 02 tháng thử việc cũng không thấy hợp đồng chính thức, tới nay là tháng 07/2016 tôi vẫn không nhận được hợp đồng lao động chính thức. Hiện nay tôi đang mang thai tháng thứ 03. Công ty thay đổi cơ cấu, và đề nghị tôi về Đồng Nai làm việc. Nếu tôi không đồng ý thì yêu cầu tôi tự chủ động nghỉ việc. Không kí hợp đồng cũng không hề đóng bất kì khoản bảo hiểm nào cho tôi. Vậy nhờ luật sư tư vấn quy định pháp luật liên quan và trường hợp này tôi phải làm thế nào để đòi quyền lợi cho mình. Xin cảm ơn

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc công ty không ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội.

 

Căn cứ Điều 29 Luật lao động năm 2012 quy định :" Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động".  Theo đó, sau khi thử việc đạt yêu cầu công ty có trách nhiệm ký hợp đồng lao động với bạn. Việc đến nay dù đã hết thời gian thử việc được nhiều tháng nhưng công ty vẫn không thực hiện việc giao kết hợp đồng lao động là vi phạm quy định của pháp luật. 

 

Với hành vi này, người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm hành chính và chế tài xử phạt được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 88/2015/NĐ-CP: 

 

1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:


a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

....."

 

Căn cứ Điều 186 Luật lao động 2012 thì "Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế". Tuy nhiên, người sử dụng lao động ở công ty bạn lại không tham gia BHXH, BHTN cho bạn thì theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm hành chính sau:

 

"2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này;

 

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này."

 

Thứ hai, về việc chuyển nơi làm việc khác khi bạn đang mang thai. 

 

Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động - Bộ luật lao động 2012 quy định: 

"1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.

3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định."

 

Căn cứ quy định trên thì pháp luật chỉ giới hạn quyền chuyển người lao động làm công việc khác của người sử dụng lao động. Còn việc chuyển nơi làm việc của người lao động thì pháp luật hiện hành lại không có quy định. Do vậy, việc thay đổi nơi làm việc sẽ căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng lao động. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật cũng không có quy định chấm người sử dụng lao động không được thay đổi nơi làm việc của người lao động. Do vậy, công ty có quyền chuyển nơi làm việc của bạn nhưng vẫn phải đảm bảo công việc của bạn không thay đổi so với thỏa thuận ban đầu. Nếu bạn không đồng ý với việc điều chuyển này thì có thể thỏa thuận với công ty để chấm dứt hợp đồng lao động. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều chuyển khu vực làm việc với người lao động đang mang thai?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo