Vũ Thanh Thủy

Điểm mới của luật BHXH 2014 về nghỉ hưu khi suy giảm sức lao động

Tôi là nữ, sinh tháng 3/1971, sang năm 2016 mới đủ 45 tuổi. Tôi đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 25 năm. Tôi làm công nhân xây dựng, vì lí do sức khỏe tôi ko thể tiếp tục lao động được. Theo luật sửa đổi năm 2014, tuổi giám định để nghỉ hưu trước tuổi có sự thay đổi. Luật sư có thể trả lời cho tôi biết tôi có thể đi giám định sức khỏe được không?


Trả lời tư vấn: Cảm ơn cô đã gửi câu hỏi tư vấn tới công ty ! Trường hợp này xin được trả lời như sau:
 
Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2016.
 
Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 mới có quy định mới về độ tuổi hưởng lương hưu khi suy giảm lao động. Cụ thể nhà nước ta đặt ra lộ trình tăng dần độ tuổi được hưởng chế độ bảo hiểm khi suy giảm lao động từ năm 2016 đến năm 2020, theo đó tăng độ tuổi hưởng lương hưu khi suy giảm lao động của lao động nữ từ 45 lên thành 50 tuổi. Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
 
Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
 
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.….”
 
Quy định mới này, với lao động nữ năm 2016 đủ 45 tuổi và làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại; có mong muốn được về hưu sớm theo chế độ suy giảm lao động như cô là một quy định không có lợi. Vì từ năm 2016 lao động nữ giám định sức khỏe từ đủ 61% đến 81% nhưng chưa đủ 46 tuổi thì vẫn chưa được hưởng chế độ hưu trí do suy giảm khả năng lao động.
 
Vì vậy cháu xin liệt kê các trường hợp giúp cô không phải tiếp tục lao động mà vẫn được hưởng chế độ hưu trí của nhà nước.
 
Có kết quả giám định sức khỏe suy giảm 61% và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
 
Nghề và công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nhà nước quy định rất rõ ràng. Cô tham khảo danh mục các nghề - công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm:

Danh mục Nghề - Công việc nặng nhọc - Độc hại - Nguy hiểm
 
Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH ban hành bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Trong danh mục trên, nếu cô thấy có nghành nghề hiện tại của mình và có đủ 15 năm công tác công việc đó, cô làm thủ tục giám định sức khỏe mức độ suy giảm khả năng lao động. Công tác giám định là quyền của người lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ giới thiệu cơ quan y tế nhận giám định sức khỏe. Nếu cô suy giảm khả năng lao động đủ 61% thì từ năm 2016 cô được trợ cấp hưu trí hàng tháng trong trường hợp người lao động suy giảm khả năng lao động. Căn cứ điểm c khoản 1 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:
 
Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
 
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
..
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành….”
 
Có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên
 
Nếu sức khỏe quá yếu, suy giảm khả năng lao động lớn hơn hoặc bằng 81%, thì ngay năm 2016 khi nghỉ việc cô có thể được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hưu trí hàng tháng. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội
 
Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
 
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
..
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;…”
 
Cô có thể bảo lưu số năm đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí
 
Cô không thể lao động tiếp vì lý do sức khỏe không đáp ứng được công việc nặng nhọc. Cô cũng không phải các trường hợp người lao động vừa nêu. Cô có thể xin ngừng làm việc tại thời điểm hiện tại và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm của mình. Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
 
Điều 61. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
 
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”
 
Cô bảo lưu 25 năm đóng bảo hiểm xã hội của mình đến khi đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hưu trí hàng tháng quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:
 
Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu
 
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
 b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;…”
 
Nếu cô là lao động có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, thì cô sẽ chỉ phải đợi đến năm 2021 để được hưởng lương hưu. Đây là trường hợp hưởng hưu trí thông thường chứ không phải chế độ thấp hơn như khi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động. Trường hợp này cô có độ tuổi nghỉ hưu theo pháp luật là 50, cô sẽ nhận được mức hưởng bảo hiểm là: 45% + 2%* (25-15) = 65% bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
 
Nếu cô không phải lao động có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành và không có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Lúc này thời điểm cô phải đợi để được hưởng lương hưu bình thường là tới năm 2026 khi cô đủ 55 tuổi. Cô sẽ nhận được mức hưởng bảo hiểm là: 45% + 2%* (25-15) = 65% bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
 
Nếu cô thấy 10 năm chờ đợi hưu trí quá dài , cô lại có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động từ 61%, nhưng lại không đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cô có thể nhận hưởng hưu do suy giảm khả năng lao động ngay vào năm 2021 bằng cách bảo lưu hồ sơ đến khi đủ độ tuổi nhận bảo hiểm hưu do suy giảm lao động, cô nhận được lương hưu với mức thấp hơn nhưng sẽ đỡ được 5 năm chờ đợi. Mức hưởng trường hợp này cô được hưởng là: 45% + 2%* (25-15) – (55-50)*3% = 50% bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điểm mới của luật BHXH 2014 về nghỉ hưu khi suy giảm sức lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV Nguyễn Tuấn Hải – Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo