Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đang mang thai 5 tháng có được chuyển làm công việc nhẹ hơn không?

Cho tôi hỏi về chuyển công việc khác như sau: Bạn tôi là công nhân đã có thai 5 tháng làm trong phân xưởng chế tạo công cụ. Công việc không đòi hỏi vận động mạnh, chỉ đứng ấn nút cho máy hoạt động, tuy nhiên cũng có lúc phải nhấc một số hộp đồ.

 

Các đồng nghiệp đã giúp cô trong suốt thời gian khi mang thai nhưng có hôm mọi người đều bận việc nên không giúp được cô nên công việc bị ùn tắc. Bạn tôi bị khiển trách vì việc này. Là người đang mang thai, bạn tôi không muốn nhấc các vật nặng vì nó có thể gây sẩy thai. Hơn thế nữa, còn có 1 số công nhân khác hút thuốc cũng gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Cô đã giải thích lý do mang thai và đề nghị căn cấm người hút thuốc với quản đốc phân xưởng nhưng công ty vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể.

 

Cho tôi xin hỏi liệu bạn tôi có thể bị chuyển vị trí công việc sang bộ phận khác với mức lương thấp hơn không hay bị chấm dứt hợp đồng lao động không?

 

TRẢ LỜI:

 

Theo Khoản 2 Điều 155 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương”.

 

Hiện tại bạn của bạn đang mang thai tháng thứ 5, từ tháng thừ 7 trở đi nếu bạn của bạn cảm thấy công việc đang làm nặng nhọc, vất vả thì có quyền được xin làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

 

Nhưng khi đang mang thai tháng thứ 5, mà bạn của bạn đã cảm thấy công việc đang làm nặng nhọc và vất vả thì bạn của bạn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được sắp xếp công việc phù hợp. Hoặc có xác nhận của cơ sở y tế chứng nhận việc nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi thì bạn của bạn có quyền tạm hoãn hợp đồng lao động, mà không cần chấm dứt hợp đồng lao động, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật lao động 2012:

 

Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.”

 

Ngoài ra, công ty không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn của bạn theo quy định tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật lao động 2012: “ Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.”

 

Trân trọng!

P.Tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo