Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đang hưởng lương hưu có được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp không?

Bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người lao động. Chế độ bệnh nghề nghiệp góp phần hỗ trợ người lao động ổn định thu nhập và cuộc sống khi không may bị bệnh nghề nghiệp. Câu hỏi đặt ra là khi người lao động về hưu, nếu phát hiện mình bị bệnh nghề nghiệp có được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp nữa hay không. Luật sư tư vấn như sau:

Nội dung yêu cầu tư vấn: Kính gửi: Luật sư tôi làm công nhân ở mỏ than thường xuyên tiếp xúc với bụi, độc hại. Năm 2018, tôi được đi kiểm tra phát hiện bệnh nghề nghiệp nhưng chưa kết luận có bệnh mà chỉ là theo dõi. Năm 2020, tôi về nghỉ hưu đến năm 2022 đi khám thì kết luận bệnh bụi phổi 31% và hưởng chế độ. Vậy xin hỏi tôi có được bồi thường nữa không hay chỉ hưởng theo tỉ lệ 31% thôi. Đề nghị luật sư tư vấn giúp!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, để giải quyết vấn đề cần xác định và làm rõ những nội dung sau:

Theo Điều 5 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định về chế độ người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp như sau:

“1. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc thôi việc hoặc chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác mà nghi ngờ hoặc thấy có triệu chứng, dấu hiệu bị bệnh nghề nghiệp do các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp trước đó đã làm việc gây nên thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Người lao động đã nghỉ hưu, thôi việc gửi bản sao hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (có bản chính để đối chiếu). Sau khi có kết quả khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn thiện hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của Bộ Y tế;…

3. Người lao động bị bệnh nghề nghiệp, thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ sau đây:

a) Các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

b) Hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần;

c) Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

4. Người lao động được hưởng các chế độ quy định tại khoản 3 Điều này khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong khoảng thời gian bảo đảm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm nghề, công việc gây ra bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a khoản này;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp, đối với các trường hợp xem xét hưởng chế độ quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

…”

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn làm công nhân ở mỏ than năm 2018 được kiểm tra phát hiện bệnh nghề nghiệp nhưng chưa kết luận có bệnh, năm 2020 bạn nghỉ hưu. Đến năm 2022 bạn đi khám và kết luận bệnh bụi phổi 31%. Như vậy, theo quy định của khoản 4 Điều 5 nêu trên thì bạn đủ điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, cụ thể bạn sẽ được hưởng các chế độ sau: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; Trợ cấp hàng tháng; Đóng bảo hiểm y tế; Được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp, số lần hỗ trợ tối đa là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần; Ngoài ra còn một số chế độ khác;

Tình huống tham khảo thêm về phụ cấp ưu đãi nghề

Nội dung yêu cầu tư vấn: Viên chức làm việc trực tiếp tại hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề bao nhiêu? Tôi hiện đang làm việc tại bệnh viện tỉnh, là viên chức, được hưởng các chế độ về BHYT, phụ cấp... Tôi với bằng học là cử nhân môi trường làm việc trực tiếp tại hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện trực thuộc công việc tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Giống như các nhân viên khác trong khoa). Vậy tôi có được hưởng phụ cấp đặc thù ngành bằng các Nhân viên y tế khác hay không? Hay chỉ được hưởng phụ cấp đặc thù ngành tương đương với bằng cử nhân? mọi người trong khoa tôi đều nhận được 40% độc hại riêng tôi chỉ nhận 20% mong được giúp đỡ, cảm ơn văn phòng luật sư rất nhiều.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định 05/2023/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập như sau:“…4. Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

6. Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung (trừ đối tượng quy định tại điểm b khoản 5 Điều này), viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng…”

Theo đó, bạn là viên chức làm việc tại cơ sở y tế công lập trực tiếp làm chuyên môn y tế hoặc làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các chuyên khỏa HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẩu bệnh lý thì bạn sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi, mức phụ cấp phụ thuộc vào công việc mà bạn làm.

Theo thông tin bạn cung cấp, thì bạn làm việc trực tiếp trực tiếp tại hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện nhưng bạn không nói rõ là công việc của bạn cụ thể là gì, bạn có làm việc thường xuyên và liên tục hay không, vì vậy chúng tôi chia thành 02 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Nếu bạn là viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn như mọi người thì bạn được hưởng phụ cấp ưu đãi là 40%. Nếu bạn chỉ được hưởng phụ cấp 20% bạn có thể làm đơn kiến nghị đến đơn vị để yêu cầu chi trả đúng mức phụ cấp của bạn.

Trường hợp 2: Nếu bạn không trực tiếp làm chuyên môn y tế hoặc làm công tác quản lý, phục vụ tại đơn vị thì việc thủ trưởng đơn vị xem xét quyết định chi trả mức phụ cấp 20% cho bạn là phù hợp quy định pháp luật.

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo