Phạm Diệu

Công ty nợ tiền bảo hiểm có được hưởng chế độ thai sản và trợ cấp thất nghiệp không?

Hiện nay, nhiều công ty có các hành vi nợ tiền bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Vậy, trách nhiệm của công ty khi nợ tiền bảo hiểm xã hội như thế nào? Người lao động có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hay bảo hiểm thai sản nếu công ty nợ bảo hiểm xã hội không? Người lao động nên giải quyết trường hợp này như thế nào? Công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội

Việc tham gia bảo hiểm là trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình tham gia quan hệ lao động. Việc công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động trong quá trình người lao động làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động.

Việc người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hay đủ điều kiện hưởng chế độ thất nghiệp nhưng do bên công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động nên cơ quan bảo hiểm trả lời người lao động chưa được hưởng hai chế độ trên. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động có thể liên hệ với công ty để công ty có thể liên hệ với cơ quan bảo hiểm để xác nhận thông tin tham gia bảo hiểm cho người lao động để họ có thể hưởng các quyề lợi của mình.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các quyền lợi của bảo hiểm của người lao động, hãy liên hệ với công ty Luật Minh Gia chúng tôi thông qua hình thức gửi Email tư vấn hoặc liên hệ qua tổng đài 1900.6169 để được hỗ trợ tư vấn về các vấn đề mình đang vướng mắc.

2. Trường hợp công ty nợ tiền bảo hiểm, người lao động có được hưởng chế độ thai sản và trợ cấp thất nghiệp không?

Câu hỏi: Em xin chào anh chị ạ. Anh chị cho em hỏi về luật được hưởng thai sản với ạ. Em dự sinh vào 30-5-2018 và em được đóng bảo hiểm vào tháng 9 năm 2016 ạ. Hiện tại em đang nghỉ để đợi sinh con, nhưng do công ty em vẫn nợ công ty bảo hiểm lên họ mới đóng bảo hiểm cho em đến tháng 12-2017. Luật sư cho em hỏi em có đủ điều kiện nhận bảo hiểm thai sản không ạ. Em đã nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty nhưng họ chưa giả sổ bảo hiểm cho em vì lý do chưa chốt được sổ và hẹn em vào tháng 7 em mới lấy được sổ. Vậy em làm thế nào mới lấy được tiền thai sản ạ. Trong trường hợp mà em không lấy kịp sổ bảo hiểm thì làm thế nào em lấy được tiền thai sản ạ. Luật sư giúp em với ạ. Và em có đủ điều kiện làm bảo hiểm thất nghiệp nữa không ạ!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc hưởng chế độ thai sản

Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Bộ luật lao động 2012 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

…”.

Căn cứ theo quy định trên, trường hợp bạn đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì bạn sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Mục 3 Công văn 856/LĐTBXH-BHXH năm 2013 về một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội như sau:

“3. Đối với các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội thì cho phép doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho những người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội và chốt sổ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định.”.

Theo công văn trên thì các công ty nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội nếu thực sự gặp khó khăn thì có thể đóng cho những người đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Như vậy, trong trường hợp này, bạn phải đợi công ty đóng hết khoản nợ bảo hiểm xã hội để được hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bạn có thể yêu cầu công ty ưu tiên thực hiện đóng bảo hiểm cho mình theo đúng quy định công văn trên để được nhận trợ cấp thai sản trong thời gian sớm nhất.

Thứ hai, về việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng chế độ thất nghiệp như sau:

Điều 49. Điều kiện hưởng

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Như vậy, trường hợp bạn đáp ứng các điều kiện nêu trên thì bạn sẽ được hưởng chế độ thất nghiệp. Với trường hợp của bạn, công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội thì không thể làm thủ tục chốt sổ cho bạn khi bạn nghỉ việc. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến việc bạn hưởng chế độ thất nghiệp.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản b Mục 2 Công văn 2266/BHXH-BT như sau:

“b) Đối với doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ BHXH, BHYT, nếu giám đốc doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ BHXH, BHYT và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH, thì giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết.”

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Khoản II Công văn số 212/BHXH-QLT như sau:

“10.2. Đơn vị thật sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh khi người lao động nghỉ việc, đơn vị phải đóng đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN và tiền lãi chậm đóng của người lao động đến thời điểm thôi việc, đồng thời đóng bổ sung ít nhất bằng số nợ BHYT (4,5%) và nợ quỹ BHXH ngắn hạn (4%) để đảm bảo quyền lợi cho những người lao động khác còn làm việc, trên cơ sở đó cơ quan BHXH chốt sổ cho người lao động đến thời điểm thôi việc.”.

Do đó, căn cứ quy định trên, trường hợp công ty bạn thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì khi bạn nghỉ việc, công ty bắt buộc phải ưu tiên thanh toán đầy đủ trước các khoản nợ bảo hiểm cho bạn để tiến hành chốt sổ trước. Nếu công ty vẫn không chốt sổ và trả sổ cho bạn thì bạn có thể liên hệ với công đoàn của công ty hoặc gửi đơn khiếu nại gửi lên Phòng lao động thương binh xã hội quận (huyện) để yêu cầu giải quyết.

(Lưu ý: Chế độ thai sản và chế độ thất nghiệp là 2 chế độ độc lập với nhau. Do đó, nếu bạn đáp ứng đủ điều kiện thì bạn có thể hưởng đồng thời cả 2 chế độ). 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo