LS Hồng Nhung

Công ty môi giới xuất khẩu lao động giữ bằng cấp người lao động

Trường hợp công ty môi giới xuất khẩu lao động giữ bằng cấp, bảng điểm của người lao động có vi phạm pháp luật không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Kính gửi văn phòng luật Minh Gia, tên tôi là Nguyễn Lương Hùng, sinh năm: 1990, quê quán Hà Tĩnh. Vào tháng 4 vừa qua tôi có ý định đi xuất khẩu lao động nên lên mạng tìm hiệu, cụ thể là facebook, thì được một người có tên facebook T kết bạn với tôi và tự giới thiệu là nhân viên tuyển dụng của công ty xuất khẩu lao động, và tư vấn đơn hàng để tôi lựa chọn, sau hơn 1 tuần T nhắn tin hẹn tôi ra Hà Nội để tham gia đơn hàng và đặt cọc. Do nghe lời Thanh nên tôi cũng 1 mình ra Hà Nội, khi ra T có dặn tôi mang theo bằng và bảng điểm để nộp, do cũng mới tìm hiểu nên tôi không có kinh nghiệm trong việc lựa chọn đơn hàng và công ty xuất nhập khẩu. Khi ra đến Hà Nội thì được T dẫn đến công ty. Sau đó giới thiệu tôi với một người tên Tứ là bạn của T, sau đó Tứ và T đưa tôi vào công ty và lấy hợp đồng ra, hai người chỉ nói là em suy nghỉ cho kỹ rồi ký vào hợp đồng, sau một hồi nói như rót vào tai những viễn cảnh ở công ty và lợi ích thì tôi đồng ý ký hợp đồng, và nộp lại cho họ bảng điểm và bằng cấp. Nhưng sau đó sang ngày tiếp theo tôi cảm thấy không yên tâm về công ty và hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn trong thời điểm này nên tôi tự xin rút hồ sơ để về nhưng Tứ không đồng ý, tứ có xin số điện thoại mẹ tôi (năm nay mẹ tôi 65 tuổi) hỏi: Có muốn cho em đi không, có lo được cho em không? Do mẹ tuổi già sức yếu lại hay tin người nên mẹ nói là nếu đi được và thành công mẹ sẽ cố gắng vay mượn. Nhưng từ khi em không có ý định đi nữa thì em bị căng thẳng và stress rất nhiều, thậm chí em khóc rất nhiều. Cuối tuần em có xin về 3 ngày để bàn bạc với mẹ, sau đó quyết định không đi nữa thì khi ra lại em vẫn nhận được câu trả lời là không thể rút hợp đồng và không trả lại bằng cấp, và bắt buộc em phải đi, em cũng đã năn nỉ cầu xin cả hai anh giúp em rút hồ sơ để em về nhưng không ai đồng ý và báo lại là không rút được nữa, tính đến ngày hôm nay là ngày thứ 5 em ở đây nhưng họ nói đã gửi bằng, bảng điểm của em đi và quyết định không trả.

Vậy kính mong công ty luật giải đáp giúp em: Họ giữ bằng và giữ người như vậy có vi phạm pháp luật không ạ?

Rất mong được sự phản hồi từ văn phòng luật Minh Gia. Em cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn:  Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, đối với hành vi giữ bằng và bảng điểm của bạn:

 

Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về việc công ty môi giới xuất khẩu lao động có được giữ bằng cấp của người lao động khi làm hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động hay không. Đồng thời, Điều 27 Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ hoạt động môi giới xuất khẩu lao động không ghi nhận doanh nghiệp có quyền giữ bằng cấp, bảng điểm gốc của người lao động.

 

Đồng thời, về mặt nguyên tắc thì các giấy tờ gốc như văn bằng, bảng điểm là giấy tờ cá nhận của mỗi người, gắn liền với quyền nhân thân của mỗi người và chỉ chủ sở hữu có quyền giữ, sử dụng văn bằng, bảng điểm của chính mình.

 

Do vậy, công ty môi giới xuất khẩu lao động không được phép giữ bằng, bảng điểm của bạn. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể tố cáo hành vi vi phạm của công ty môi giới xuất khẩu lao động đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.

 

Thứ hai, hành vi giữ người của công ty môi giới xuất khẩu lao động:

 

Theo những gì bạn trình bày chúng tôi chưa rõ hành vi giữ người mà bạn hỏi ở đây là gì.

 

Nếu bạn đến nhận bằng và bảng điểm mà công ty không trả và yêu cầu bạn phải đi xuất khẩu lao động như ban đầu đã thỏa thuận mà bạn tự ý ở lại công ty 5 ngày để yêu cầu công ty trả bằng, bảng điểm thì đây không phải là hành vi giữ người trái pháp luật.

 

Nếu công ty môi giới xuất khẩu lao động giữ bạn lại trái với mong muốn, nguyện vọng của bạn và hành vi giữ người này hạn chế quyền tự do của bạn để thực hiện yêu cầu của công ty thì các chủ thể thực hiện hành vi giữ người trái pháp luật có thể xem xét bị truy tố trước pháp luật về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017:

 

 “Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

 

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

...”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV Nông Hồng Nhung  - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo