Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Công ty ký sai loại hợp đồng và ép người lao động làm thêm giờ

Hỏi: Em có 1 số vấn đề như sau: Ngày 01.12.2012 Ngân Hàng M ký hợp đồng lao động với em. Loại hợp đồng là Hợp đồng khoán 03 tháng. Công việc là nhân viên bảo vệ. Ngoài ra em còn lái xe chuyên dùng cho M, nhưng trong hợp đồng không có điều khoản gì đến lái xe.


Và hết hợp đồng M lại ký tiếp như vậy. Đến khi M sáp nhập vào B ngày 28.05.2015, công việc em vẩn như vậy.
Ngày 23.11.2015 Sau khi em thông báo với BGĐ là không lái xe nữa, chỉ muốn làm theo hợp đồng là nhân viên bảo vệ với lý do như sau:
Sau khi sáp nhập B yêu cầu phải trực 24/24 kể cả ngày thứ 7, chủ nhật và ngày Lễ, nhưng cơ quan chỉ có 2 bảo vệ.
Việc trực 24/24 em không đảm bảo sức khỏe cho việc lái xe. BGĐ tăng cường thêm nhân sự thì công việc mới đảm bảo.
Ngày 25.11.2015. Ông giám đốc không đồng ý và cho em nghỉ việc với lý do hợp đồng lao động hết hạn vào ngày 30.11.2015.
Em xin hỏi
Thứ nhất : Hợp đồng lao động của M ký với em có đúng với Bộ luật lao động và luật Ngân Hàng qui định không?
Thứ hai: B dựa vào hợp đồng đó cho em nghỉ việc có đúng với luật lao động không?
Thứ ba: Việc B qui định làm 24/24 nhưng không trả tiền làm thêm giờ có đúng với luật lao động không?
Em phải làm thế nào?
Vì trong 1 Chi Nhánh có rất nhiều Phòng giao dịch, có nhiều lao động phải chịu cảnh như em. Nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ bị ảnh hưởng đến công việc.
Mong anh chị tư vấn giúp em. Vì lương nhân viên bảo vệ không đủ sống mà còn bị ép.
 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp hiện nay, hợp đồng của bạn bắt đầu từ ngày 1/12/2012 và có thời hạn là 3 tháng do đó đây không phải là loại hợp đồng lao động xác định thời hạn. Vì vậy, đây sẽ được xếp vào loại hợp đồng thời vụ hoặc loại hợp đồng có thời hạn nhất định dưới 12 tháng. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì những loại hợp đồng thời vụ hoặc loại hợp đồng có thời hạn nhất định dưới 12 tháng thì sẽ phải căn cứ theo tính chất công việc để thực hiện việc ký kết loại hợp đồng nay. Công việc mà bạn làm mang tính chất thường xuyên liên tục nên do đó không thể ký kết và xếp vào loại hợp đồng mùa vụ hoặc công việc có tính chất dưới 12 tháng được. Căn cứ:

Điều 22 - Bộ luật lao động 2012. Loại hợp đồng lao động

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Vì vậy, việc hai đơn vị nêu trên ký loại hợp đồng 3 tháng 1 lần đối với trường hợp của anh như vậy là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật và có thể nói đó là ký sai loại hợp đồng. Do đó, việc ngân hàng B tiếp tục sử dụng hợp đồng lao động này đối với anh cũng hoàn toàn là trái quy định pháp luật. Về vấn đề khi B cho anh nghỉ việc dựa trên căn cứ của hợp đồng lao động 3 tháng là không có cơ sở vì loại hợp đồng này ký không đúng đối tượng và trái quy định của pháp luật. Do đó, có cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên hủy hợp đồng lao động này và yêu cầu xử lý như đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Ngân hàng B yêu cầu bạn làm 24/24 mà không tính chi trả tiền làm thêm giờ là hoàn toàn trái quy định của pháp luật và không có cơ sở pháp lý. Việc yê cuầu làm thêm giờ còn phải được sự đồng ý của bạn chứu không phải là quyết định từ một phía của đơn vị. Căn cứ:

Điều 97 - Bộ luật lao động 2012. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Căn cứ vào các quy định trên thì bạn hoànto àn có quyền làm đơn khiếu nại lên đơn vị nơi mình đang công tác để yêu cầu họ giải trình về việc cho bạn nghỉ việc và vấn đề liên quan đến thời gian làm thêm giờ của bạn. Yêu cầu họ trả lời bằng văn bản về việc căn cứ theo quy định của pháp luật để áp dụng những quyết định trên đối với bạn. Nếu như đươn vị không giải quyết hoặc không có câu trả lời đáp ứng được quyền lợi cảu bạn thì bạn có thể thực hiện việc khởi kiện tại tòa án quận/huyện nơi đơn vị có trụ sở.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Công ty ký sai loại hợp đồng và ép người lao động làm thêm giờ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia Đào Quang Vinh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo