Hoài Nam

Công ty giữ lương không chịu giải quyết công nợ

Thưa luật sư, mong luật sư tư vấn cho tôi vấn đề sau: Khi làm thanh toán đợt 2 cho khách hàng, tôi đã kẹp nhầm cả biên bản đã thanh toán từ đợt 1 vào nên bị chuyển khoản thừa tiền (trước khi chuyển khoản thì TP tôi phải kiểm tra lại công nợ và ký đồng ý mới được đi tiền).

 

Đến 7/10/2015: phát hiện ra vấn đề nhưng TP tôi không nói gì cả. Một mình tôi gọi điện và gửi các chứng từ thanh toán để khách hàng trả lại tiền (đến nay khách hàng vẫn chưa trả). Đến giữa tháng 3/2016 tôi nghỉ việc và có hỏi TP tôi về phần trách nhiệm của tôi đến đâu để tôi giải quyết sớm vì tôi muốn lấy sổ bảo hiểm. Nhưng TP lại đổ hết trách nhiệm và bắt tôi bồi thường 100%. Tôi không đồng ý vì chị ấy kiểm tra công nợ sai thì tiền mới chuyển khoản sai nên cũng phải có trách nhiệm. Đến nay tôi đã nghỉ việc được hơn 1 tháng, và mặc dù có lệnh sếp trên bắt chị ấy phải giải quyết vấn đề sớm nhưng chị ấy cứ lờ đi và không 1 lần nào gọi tôi đến làm việc. Chỉ khi tôi gọi điện lên HCNS để hỏi thì mới biết là giám đốc đã chỉ thị cho TP tôi phải làm việc trực tiếp với tôi để viết bản tường trình gửi về trước 15/4/2016. Tôi rất bức xúc về sự vô trách nhiệm của TP. Tôi đã rất hợp tác để giải quyết xong vì tôi muốn lấy được sổ bảo hiểm nhưng chị ấy lại quá vô trách nhiệm. Vì vậy tôi muốn hỏi luật sư vấn đề sau: - Công ty không được giữ lương của người lao động quá 30 ngày. Dù có vấn đề gì cũng phải giải quyết trong thời hạn trên để trả lương cho NLĐ. Nhưng trong 30 ngày kể từ khi tôi nghỉ việc TP tôi đã cố tình không giải quyết vấn đề. Vậy tôi còn phải chịu trách nhiệm nào với khoản tiền chuyển khoản thừa không? Vì theo tôi nghĩ nếu trong 30 ngày TP mà giải quyết thì tôi sẽ chịu 50% nhưng chị ấy lại không chịu nhận trách nhiệm và cố tình lờ đi không giải quyết, đã quá 30 ngày rồi nên bây giờ chị ấy phải chịu 100%? Tôi có được nhận lại 100% lương không? - Trong vấn đề công ty giữ lương của NLĐ như thế này thì có chế tài xử phạt nào không? Tôi rất mong sớm nhận được thư trả lời của luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề này. Cảm ơn luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Điều 130 Bộ luật lao động 2012 quy định:

 

"Điều 130. Bồi thường thiệt hại
 

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường."

 

Theo đó, bạn gây thiệt hại cho công ty thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường. Khoản tiền bồi thường sẽ do bạn và công ty thỏa thuận.

 

Về vấn đề công ty chậm trả lương cho bạn:

 

"Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán."

 

Khi giải quyết vấn đề bồi thường, bạn có thể yêu cầu công ty thanh toán tiền lương còn nợ và chốt sổ bảo hiểm. Nếu công ty vẫn không chịu trả tiền lương cho bạn, bạn có thể yêu cầu Phòng Lao động TBXH giải quyết. Công ty có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

 

"Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

 

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

 

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Công ty giữ lương không chịu giải quyết công nợ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Sơn Tùng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo