Luật sư Trần Khánh Thương

Cộng nối thời gian công tác trước năm 1995 thế nào?

Người lao động khi tham gia BHXH đến một độ tuổi nhất định và có đủ 20 năm đóng BHXH thì được hưởng chế độ hưu trí. Trong một số trường hợp, người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH, đồng thời có trường hợp đã công tác từ trước những năm 1995 nhưng thời gian đóng BHXH không được ghi nhận dẫn đến thời gian đóng BHXH trên sổ chưa đủ 20 năm. Vậy, quyền lợi của người tham gia BHXH được giải quyết như nào trong nhưng trường hợp nêu trên?

Câu hỏi: Tôi sinh năm 1963, đến tháng 3/2020 phải nghỉ hưu nhưng công tác theo đóng BHXH mới được 19 năm. Trước đây tôi làm công nhân tại Nông trường 1/5, Nghĩa Đàn, Nghệ An từ năm 1982 - 1986. Cuối năm 1986 nông trường cử tôi đi học tại trường TC Nông nghiệp Trung Ương (Hà Bắc). Sau khi ra trường do gia đình đã chuyển về quê ở Quảng Nam nên tôi theo gia đình về luôn trong này mà không được thanh toán chế độ nghỉ 1 lần. Sau đó tôi theo học đại học và về công tác tại xã (làm khuyến nông viên), HTX giải thể tôi xin việc vào làm tại Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười (Long An) nay là TT NC và PT NN Đồng Tháp Mười. Ký HĐ lao động vào tháng 11 năm 1997 nhưng đến tháng 4 năm 1999 khi tôi thi đậu vào công chức mới đóng BHXH. Nhờ các luật sư tư vấn dùm tôi một số ý như sau: Liệu tôi có thể cộng với thời gian công tác từ năm 1982-1986 và từ tháng 11 năm 1997 - 4/1999 được không? Cần những thủ tục giấy tờ gì nếu được.

Trả lời: Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của bác, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, có thể cộng dồn thời gian đóng BHXH không?

Khoản 5 Điều 3 Luật BHXH 2014 có quy định như sau:

5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, người lao động có thời gian đóng BHXH không liên tục sẽ được xem xét cộng dồn thời gian đóng BHXH để tính điều kiện hưởng các loại chế độ BHXH.

Khoản 6 Điều 123 Luật BHXH 2014 có quy định như sau:

6. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.

Theo đó, thời gian bác làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH.

Thứ hai, về thủ tục cộng dồn thời gian đóng BHXH:

Trường hợp bác đủ điều kiện để công nhận thời gian công tác trước năm 1995 vào thời gian đã đóng BHXH thì bác cần chuẩn bị hồ sơ để cộng nối BHXH gồm:

+ Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT theo mẫu TK1-TS;

+ Sổ BHXH đã cấp (các sổ BHXH);

+ Hồ sơ kèm theo: Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có) của người lao động, quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động, các giấy tờ có liên quan khác như quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động, luân chuyển, quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, giấy thôi trả lương…

+ Xác nhận bằng văn bản của đơn vị tại thời điểm nghỉ việc NLĐ chưa được hưởng các khoản trợ cấp một lần.

Bác liên hệ đến cơ quan BHXH quận/huyện nơi mình đang cư trú để làm thủ tục cộng nối thời gian đóng BHXH. Sau khi hoàn tất thủ tục cộng nối thời gian tham gia BHXH, nếu đủ điều kiện bác có thể làm hồ sơ hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo