Nguyễn Kim Quý

Công chức vay tiền không trả có bị xử lý kỷ luật?

Luật sử tư vấn về vấn đề xử lý kỷ luật với công chức khi công chức vay tiền không trả. Có được xử lý kỷ luật với công chức khi chưa có kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra hay không?

Nội dung tư vấn: Xin chào Luật sư công ty Luật Minh Gia. Tôi xin Luật sư tư vấn về vấn đề như sau: Trường hợp bà H, công chức phòng chuyên môn cấp huyện có vay số tiền 4 tỷ đồng của 01 người dân nhưng không trả và bị người dân làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng là UBND cấp huyện. Qua làm việc với bà H và cơ quan nơi bà H công tác thì bà H có thừa nhận là đã vay tiền của người dân đó. UBND cấp huyện đã chuyển hồ sơ và đơn tố cáo của người dân sang Cơ quan CSĐT - Công an huyện để thụ lý giải quyết. Mặt khác, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét tham mưu có hình thức xử lý kỷ luật đối với bà H. Như vậy, cho tôi hỏi Luật sư: Khi chưa có kết luận của cơ quan CSĐT - Công an huyện thì Phòng Nội vụ có tham mưu xử lý kỷ luật công chức được không và xử lý theo quy định nào? Xin cám ơn Luật sư!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Bà H là công chức phòng chuyên môn cấp huyện và bị UBND cấp huyện xử lý kỷ luật. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, những hành vi bị kỷ luật của công chức bao gồm:

 

“Điều 3. Các hành vi bị xử lý kỷ luật

 

1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.

 

2. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

 

3. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

 

Những việc không được làm đối với công chức được quy định tại Điều 18, 19 và 20 Luật Cán bộ, công chức 2008 bao gồm những việc sau:

 

“Điều 18. Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ

 

1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

 

2. Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.

 

3. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.

 

4. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.”

 

“Điều 19. Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước

 

1. Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.

 

2. Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.

 

3. Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng quy định tại Điều này.”

 

“Điều 20. Những việc khác cán bộ, công chức không được làm

 

Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.”

 

Bà H có thực hiện hành vi vay tiền của người dân nhưng bạn không đề cập đến việc bà H có lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vay tiền hay không hoặc việc vay tiền này của bà H có vi phạm vào quy chế của cơ quan hay không. Trường hợp có căn cứ, chứng cứ chứng minh về việc bà H vay tiền là hành vi lợi dụng vị trí công tác vì vụ lợi hoặc hành vi này là hành vi vi phạm kỷ luật lao động của cơ quan thì việc xử lý kỷ luật với bà H khi chưa có kết luận của bên phía Cơ quan Công an huyện là không trái với quy định của pháp luật. Nếu hành vi của bà H là hành vi vi phạm quy định pháp luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 bà thì để xử lý kỷ luật với hành vi của bà H thì cần phải có kết luận của cơ quan CSĐT hoặc biên bản xử phạt vi phạm hành chính hoặc sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Như vậy, nếu Ủy ban nhân dân cấp huyện có những căn cứ chứng minh về hành vi vay tiền của bà H là hành vi lợi dụng vị trí công tác để vụ lợi hoặc vi phạm kỉ luật lao động hoặc vi phạm những nghĩa vụ, đạo đức,... của công chức thì việc Ủy ban nhân dân chỉ đạo xem xét xử lý kỉ luật với bà H khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra là không trái quy định của pháp luật.

 

Trân trọng.

Phòng luật sư tư vấn về lao động - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo