LS Vy Huyền

Công an quận giải quyết đơn tố cáo sai quy định thì xử lý thế nào?

Luật sư tư vấn đối với trường hợp công an quận, huyện giải quyết sai quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết đơn tố cáo. Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính thưa luật sư luật Minh Gia! Tôi xin trình bày sự việc của tôi như sau: - ngày 05/12/2016, tôi và một số bị hại nộp đơn tố cáo hành vi lừa đảo , chiếm đoạt tài sản của Ông A lên cơ quan công an quận. Ngày 19/12/ 2017: sau một thời gian không thấy phản hồi về việc đơn thư của chúng tôi. Tôi có trực tiếp lên cơ quan công an quận để hỏi về đợn thư . Và được thông báo là cơ quan điều tra đã thụ lý và đang tiến hành điều tra. Ngày 25/02/2017, cơ quan công an triệu tập chúng tôi để lấy lời khai và thu thập các bằng chứng, chứng cứ. Sau nhiều lần phản hồi về việc quá thời hạn giải quyết đơn thư tố cáo của chúng tôi thì tới ngày 12/06/2017 cơ quan điều tra công an quận đưa ra thông báo chuyển hồ sơ của chúng tôi lên cơ quan công an thành phố .Xin luật sư cho tôi hỏi: Công an quận xử lý vụ việc như vậy có đúng không? Và tôi phải làm thế nào để yêu cầu cơ quan công an quận  làm đúng theo trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Mong nhận được sự phản hồi của luật sư.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

 Căn cứ theo điều 20 luật tố cáo 2011 về việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo:

 

Điều 20. Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo

 

1. Khi nhận được tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm phân loại và xử lý như sau:

 

a) Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày;

 

b) Nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, người tiếp nhận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, nếu có yêu cầu. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

 

Theo quy định trên thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, cơ quan công an quận, huyện nơi bạn gửi đơn tố cáo phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và đưa ra quyết định việc thụ lý, không thụ lý. Nếu trong trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an quận, huyện thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo công an quận phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo biết (nếu có yêu cầu).

 

Mặt khác, theo quy định tại điều 21 luật tố cáo thì thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trong một số trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết.

 

Điều 21. Thời hạn giải quyết tố cáo

 

1. Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

 

2. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

 

Như vậy, nếu như cơ quan công an quận đã thụ lý đơn tố cáo của bạn mà sau khi hết thời hạn giải quyết tố cáo lại thông báo chuyển hồ sơ lên cơ quan công an thành phố là sai so với quy định. Theo đó, nếu sau quá trình điều tra mà phát hiện có hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra có quyền chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để yêu cầu giải quyết.

 

 Đối với trường hợp của bạn, nếu nhận thấy cơ quan công an quận giải quyết không đúng pháp luật thì bạn có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo theo điều 27 luật tố cáo 2011. Cụ thể:

 

Điều 27. Việc tố cáo tiếp, giải quyết vụ việc tố cáo tiếp

 

1. Trường hợp quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết hoặc có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo.

 

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý như sau:

 

a) Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điều 21 của Luật này mà tố cáo không được giải quyết thì yêu cầu người có trách nhiệm giải quyết tố cáo phải giải quyết, trình bày rõ lý do về việc chậm giải quyết tố cáo; có biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo;

 

b) Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là đúng pháp luật thì không giải quyết lại, đồng thời thông báo cho người tố cáo về việc không giải quyết lại và yêu cầu họ chấm dứt việc tố cáo;

 

c) Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là không đúng pháp luật thì tiến hành giải quyết lại theo trình tự quy định tại Điều 18 của Luật này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo