Nguyễn Kim Quý

Có thể thay đổi vị trí việc làm của viên chức mà không có sự thỏa thuận không?

Tôi là phó ban tổ chức Hội nhưng vì có xích mích với Chủ tịch Hội nên bị điều chuyển sang vị trí khác mà không có sự đồng ý của tôi, sau đó ông Chủ tịch Hội áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo với tôi mà không có căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của tôi trong thời gian tôi đang khiếu nại về quyết định điều chuyển.

Nội dung tư vấn: Kính gửi Luật sư, Tôi có một số nội dung hiện nay đang bị vướng mắc, xin Luật sư tư vấn giúp: Tôi là viên chức Nhà nước, được điều động sang một tổ chức xã hội làm công tác chuyên môn (trong chỉ tiêu biên chế được Bộ Nội vụ giao, Bộ Tài chính cấp quỹ lương) - Từ khi được bổ nhiệm làm Phó Ban Tổ chức (2008) năm nào tôi cũng đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được tặng Bằng khen của Trung ương Hội; Năm 2012 được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen; Năm 2015 được chuyển ngạch lương từ chuyên viên lên chuyên viên chính). Nhưng đến thời điểm liên quan đến công tác tổ chức nhân sự, vì không muốn nghỉ theo quy định, ông T là Chủ tịch Hội đã không thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ (trong đó đã có tên, tuổi ông Chủ tịch Hội phải nghỉ vào tháng 02/2016) nhưng ông Chủ tịch Hội không chịu nghỉ công tác, cố tình áp dụng sai quy định, bắt tôi nói sai với văn bản của Hội để ông tiếp tục được ở lại những năm tiếp theo. Nhưng tôi không dám nói, nếu nói sai văn bản sẽ hệ lụy đến độ tuổi của cả hệ thống tổ chức Hội (từ TW Hội đến Huyện hội). Đồng thời những người nghỉ đúng quy định lại thắc mắc, khiếu kiện, nên tôi không dám nói. Vì vậy, ngày 27/5/2016 ông T đã ban hành quyết định, với nội dung: “Điều chuyển bà…. thôi đảm nhiệm Phó ban Tổ chức TW Hội, về nhận công tác tại Ban Kiểm tra TW Hội và hưởng phụ cấp chức vụ phó ban hệ số 0.7 từ ngày 01/06/2016 đến hết tháng 02 năm 2017” (Xin báo cáo thêm: Trước khi ban hành Quyết định thôi chức vụ đối với tôi, cấp ủy không đưa ra chi bộ để thảo luận theo quy định về công tác tổ chức cán bộ của Đảng; Không thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 28, Luật viên chức; Không thực hiện theo quy định Điều 12 Điều lệ Hội). Với các nội dung nêu trên, xin hỏi Luật sư: 1. Quyết định Thôi chức vụ, điều chuyển vị trí việc làm của tôi có trái với quy trình, quy định của Đảng, Pháp luật của Nhà nước không? 2. Trong khi không thẩm tra, xác minh, chưa trả lời đơn thư khiếu nại Quyết định thôi chức vụ, điều chuyển vị trí việc làm đối với tôi, ông Chủ tịch Hội lại chỉ đạo kỷ luật Hành chính đối với tôi với hình thức cảnh cáo (trong cuộc họp kỷ luật về mặt chính quyền, tôi có mời Luật sư bảo về quyền lợi cho tôi thì ông Chủ tịch không cho Luật sư vào tham dự). Như vậy có vi phạm pháp luật không?  3. Tôi là đảng viên, không nhận Quyết định hành chính nêu trên thì có bị kỷ luật Hành chính, kỷ luật Đảng không?  4. Trong khi Bộ Nội vụ đang vào cuộc giải quyết, chưa có văn bản kết luận thì ông Chủ tịch lại chỉ đạo chi bộ kỷ luật đảng đối với tôi, với hình thức Cảnh cáo (nội dung kỷ luật là do ông Chủ tịch tự đưa ra, rồi tự kết luận). Như vậy có trái với quy định của Đảng không?  5. Trong thời gian tôi chưa nhận Quyết định (01/6/2016-16/7/2016) nhưng ngày nào tôi cũng đi làm, vậy mà ông chủ tịch lại chỉ đạo kế toán cắt gần hai tháng lương của tôi. Như vậy có đúng quy định không? Nếu không đúng quy định tôi phải đề nghị cơ quan nào vào cuộc giải quyết?  Tôi xin cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, quyết định cho thôi chức vụ, điều chuyển vị trí việc làm của bạn có đúng quy định của pháp luật không?

 

Ông T đã ra quyết định chuyển bạn sang một vị trí làm việc khác, đây là vị trí làm việc khác với vị trí làm việc ban đầu của hợp đồng làm việc của bạn. Việc ông T thay đổi vị trí làm việc của bạn thì cần phải thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Viên chức 2010:

 

“Điều 32. Thay đổi vị trí việc làm

 

1. Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.

 

2. Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

 

3. Khi chuyển sang vị trí việc làm mới, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và Điều 31 của Luật này.”

 

Khoản 1 Điều 28 Luật Viên chức 2010 quy định:

 

“Điều 28. Thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc

 

1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc. Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc. Trong thời gian tiến hành thoả thuận, các bên vẫn phải tuân theo hợp đồng làm việc đã ký kết. Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.”

 

Như vậy, khi đơn vị bạn có nhu cầu, nếu ông T muốn điều chuyển bạn làm việc ở một vị trí khác so với nội dung hợp đồng làm việc, ông T sẽ phải báo trước cho bạn ít nhất 3 ngày làm việc và cần phải có sự đồng ý của bạn thì mới có thể chuyển vị trí làm việc của bạn sang vị trí khác và phải tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc đã ký kết. Việc ông T ra quyết định cho bạn chuyển vị trí từ Phó ban Tổ chức TW Hội về nhận công tác tại Ban Kiểm tra TW Hội mà không có sự thỏa thuận với bạn là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, ông T không thể điểu chuyển bạn về vị trí mới mà vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc, trừ trường hợp bạn đồng ý việc điều chuyển này.

 

Thứ hai,  về việc ông T áp dụng hình thức kỷ luật với bạn khi đang trong thời gian giải quyết khiếu nại cũng như chưa xác minh về hành vi vi phạm của bạn

 

Điều 11 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về việc áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo như sau:

 

“Điều 11. Cảnh cáo

 

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

 

1. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng;

 

2. Không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền hoặc không thực hiện công việc, nhiệm vụ đã cam kết trong hợp đồng làm việc mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị;

 

3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp;

 

4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng được tính trong tháng dương lịch hoặc từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc liên tiếp, mà không có lý do chính đáng;

 

5. Phân biệt đối xử dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức;

 

6. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội;

 

7. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;

 

8. Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về đơn vị sự nghiệp công lập nơi viên chức đang công tác;

 

9. Viên chức quản lý không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý, để viên chức thuộc quyền quản lý, phụ trách vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;

 

10. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

 

11. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật.”

 

Như vậy, để áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo thì bạn phải có một trong các hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 11 Nghị định 27/2012/NĐ-CP, nếu bạn không có một trong các hành vi vi phạm trên thì bạn sẽ không bị xử lý kỷ luật với hình thức là cảnh cáo. Nếu muốn xử lý kỷ luật với bạn, ông T phải có chứng cứ chứng minh về việc bạn đang có một trong các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại điều 11 Nghị định 27/2012/NĐ-CP. Nếu ông T vẫn xử lý kỷ luật với bạn khi không có chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của bạn thì việc xử lý kỷ luật trên là không có căn cứ, bạn có quyền khiếu nại với hành vi này của ông T với cơ quan cấp trên trực tiếp.

 

Thứ ba, về việc bạn không nhận quyết định xử lý kỷ luật trên thì có bị xử lý hành chính hay bị xử lý kỷ luật Đảng không?

 

Nếu bạn có hành vi vi phạm pháp luật, việc xử lý kỷ luật cảnh cáo với bạn là có căn cứ, có chứng cứ chứng minh về hành vi của bạn thì việc bạn không nhận quyết định xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật này vẫn có hiệu lực trên thực tế. Nếu bạn không nhận quyết định kỷ luật này thì tùy vào Điều lệ của cơ quan, tổ chức nơi bạn công tác và Điều lệ Đảng có quy định, hành vi của bạn sẽ bị xử lý theo Điều lệ tổ chức và Điều lệ Đảng.

 

Thứ tư, về việc ông Chủ tịch chỉ đạo chi bộ kỷ luật đảng đối với bạn với hình thức Cảnh cáo (nội dung kỷ luật là do ông Chủ tịch tự đưa ra, rồi tự kết luận) có trái với quy định của Đảng không?

 

Nếu muốn kỷ luật với bạn, ông chủ tịch sẽ phải có chứng cứ chứng minh về việc bạn có hành vi vi phạm điều lệ của Đảng thì mới có thể xử lý kỷ luật Đảng với bạn được còn nếu không có căn cứ mà ông Chủ tịch vẫn xử lý kỷ luật với mình, bạn có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật đó lên thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp.

 

Thứ năm, về việc ông chủ tịch chỉ đạo kế toán cắt giảm gần 2 tháng tiền lương của bạn

 

Hình thức xử lý kỷ luật với viên chức bao gồm các hình thức theo quy định tại Điều 52 Luật Viên chức 2010 như sau:

 

“Điều 52. Các hình thức kỷ luật đối với viên chức

 

1. Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:

 

a) Khiển trách;

 

b) Cảnh cáo;

 

c) Cách chức;

 

d) Buộc thôi việc.

 

2. Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

 

3. Hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với viên chức quản lý.

 

4. Quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ viên chức.

 

5. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức.”

 

Như vậy, việc xử lý kỷ luật với viên chức không có hình thức cắt giảm tiền lương mà chỉ có các hình thức theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật viên chức 2010, ông T không thể tự ý cắt giảm tiền lương của bạn được. Trường hợp việc cắt giảm tiền lương của bạn không được áp dụng như một hình thức xử lý kỷ luật thì ông T cũng không thể cắt giảm tiền lương của bạn vì bạn vẫn đi làm đầy đủ trong thời gian chưa nhận quyết định kỷ luật, ông T không có căn cứ để cắt giảm tiền lương gần 2 tháng của bạn. Việc ông T làm như vậy là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, bạn có quyền khiếu nại lên Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan mình để được giải quyết. Nếu cơ quan cấp trên trực tiếp không giải quyết, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan đặt trụ sở.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn pháp luật Lao động - Công ty Luuật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo