LS Thanh Hương

Có được xử lý kỷ luật khi người lao động mang thai?

Luật sư tư vấn trường hợp công ty ra quyết định xử lý kỷ luật lao động, sau đó người lao động mới phát hiện mình mang thai. Có được quyêu cầu hủy quyết định xử lý kỷ luật không và phương hướng giải quyết vấn đề.

 

Câu hỏi: Kính chào Luật sư,Tôi có một việc thắc mắc nhờ Luật sư tư vấn tôi ạ. Ngày 3/03/2018 tôi có vi phạm nội quy công ty do không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công ty có ký kỷ luật cảnh cáo lần thứ nhật đối với tôi. Trong thời gian này tôi đang mang thai tháng thứ hai mà không biết. Đến ngày 28/03/2018 tôi biết mình mang thai và nộp giấy siêu âm báo mình đang mang thai với công ty. Xin luật sư tư vấn cho tôi là trong trường hợp của tôi có được hủy quyết định kỷ luật đã ký trước đó không?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của mình như sau:

 

Bộ luật Lao động 2012 có quy định về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động tại Điều 123 như sau:

 

Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

 

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

 

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

 

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

 

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

 

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

 

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

 

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

 

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

 

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

 

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

 

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;

 

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

 

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

 

Theo đó, khi bạn thuộc đối tượng lao động nữ có thai thì công ty không được xử lý kỷ luật lao động đối với bạn, bạn có thể gửi đơn yêu cầu công ty hủy quyết định xử lý kỷ luật đã ban hành để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Tuy nhiên, sau khi hết thời gian mang thai mà vẫn đủ chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật lao động thì công ty vẫn có thể ra quyết định xử lý kỷ luật với bạn. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 124 – Bộ luật lao động như sau:

 

Điều 124. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động

 

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 12 tháng.

 

2. Khi hết thời gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 123, nếu còn thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động ngay, nếu hết thời hiệu thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

 

Khi hết thời gian quy định tại điểm d khoản 4 Điều 123, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.

 

3. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

 

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng khi hết thời gian mang thai thì chị có thể vẫn thuộc đối tượng mà công ty không được xử lý kỷ luật lao động nếu nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 123 – Bộ luật lao động 2012.

 

Xử lý kỷ luật lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được hướng dẫn bởi Điều 29 Nghị định 05/2015/NĐ-CP

 

Điều 29. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi

 

1. Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

 

2. Khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, mà thời hiệu xử lý kỷ luật đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

 

Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể làm việc trực tiếp với ban giám đốc công ty, yêu cầu hủy quyết định xử lý kỷ luật do rơi vào trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động quy định tại Khoản 4, Điều 123 – Bộ luật lao động 2012. Nếu công ty từ chối yêu cầu của bạn, bạn có thể viết đơn khiếu nại gửi lên Phòng Lao động – Thương binh và xã hội để nhờ can thiệp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Bùi Thanh Hương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo