Có được tự ý thuyên chuyển công tác người lao động không?
Cập nhật 14/02/2019 10:34
Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin chào cty Luật Minh Gia. Tôi có môt việc xin nhờ cty tư vấn giúp về thuyên chuyển công tác như sau: Ngày 28/10/2013, tôi vào làm kế toán tổng hợp cho 1 cty TNHH và hợp đồng lao động được ký từ 28/10/2013 đến 27/10/2014, sau đó tái ký 1 năm từ 28/10/2014 đến 27/10/2015.
Tôi là lao động nữ, tôi sinh con vào ngày 07/12/2014 và tôi đã nghỉ thai sản theo chế độ quy định từ 01/12/2014 đến 31/05/2015. Nhưng do công ty thiếu người làm báo cáo tài chính cuối năm nên vào ngày 09/03/2015 tôi đã đi làm lại sớm hơn (có sự thỏa thuận giữa 2 bên).
Nhưng khi vừa hoàn thành báo cáo tài chính cuối năm thì công ty lại có quyết định thuyên chuyển công việc của tôi không đúng chuyên môn, không đúng với hợp đồng lao động. Chuyên môn của tôi là kế toán mà lại thuyên chuyển sang làm admin (hành chánh, văn phòng) mà không hề có sự thỏa thuận hay thông báo trước cho tôi.
Vậy tôi muốn hỏi luật sư, trường hợp tôi không chấp nhận công việc mới thì tôi có gì sai không và ngược lại cty làm như vậy với tôi thì họ có sai luật không?
Tôi không muốn nghỉ việc và cũng không muốn nhận công việc mới này. Vậy có cách nào cty phải cho tôi làm việc vị trí kế toán như trước đây hay không
Chân thành cảm ơn luật sư. Xin chào
.jpg)
Tư vấn về việc tự ý thuyên chuyển công tác người lao động?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc bạn đi làm lại khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản.
Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật lao động 2012 thì trong trường hợp người lao động đi làm lại khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản thì “ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”
Thứ hai, về việc công ty có quyết định thuyên chuyển công tác đối với bạn.
Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về việc người sử dụng lao động có thể chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong trường hợp:
“1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”
Như vậy, công ty chỉ có quyền chuyển công tác của bạn vì lý do công ty thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự, công việc của bạn không còn nữa và có nhu cầu chuyển bạn làm công việc khác và phải dựa trên sự thỏa thuận của hai bên. Đồng thời công ty có trách nhiệm phải bảo trước cho bạn biết ít nhất là 3 ngày về việc chuyển công tác. Nếu không thỏa thuận được thì 2 bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
Bởi vậy, nếu không thuộc các trường hợp theo quy định trên thì công ty bạn không có quyền tự ý điều chuyển công tác không đúng với hợp đồng lao động đã giao kết.
Thứ ba, bạn không nhận quyết định điều chuyển công tác của công ty.
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động 2012 thì một trong những điều kiện để người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đó là “Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;” Bởi vậy, nếu bạn không đồng ý với quyết định chuyển công tác này của công ty thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật, bạn sẽ không phải bồi thường bất cứ khoản chi phí nào cho công ty, và công ty sẽ có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc và các khoản tiền lương, tiền công khác (nếu có) cho bạn khi chấm dứt hợp đồng.
Thứ tư, về việc bạn muốn tiếp tục ở lại công ty làm việc theo đúng chuyên môn của mình. Thì bạn có thể thỏa thuận lại với phía công ty. Hoặc nhờ đến sự giúp đỡ tổ chức công đoàn của công ty.
Trân trọng !
Luật Gia: Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia