Lò Thị Loan

Có được trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu không?

Pháp luật quy định như thế nào về tiền lương của người lao động? Người sử dụng lao động có thể trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu không? Trường hợp công ty trả lương cho người lao động không đúng theo quy định pháp luật thì xử lý như thế nào?

1. Luật sư tư vấn về tiền lương người lao động

Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành thì tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Theo đó, mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Mức lương tối thiểu vùng quy định là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm.

Vậy vấn về trường hợp người sử dụng lao động có được trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người khi tham gia quan hệ lao động. Trường hợp bạn đang gặp vướng mắc liên quan đến vấn đề tiền lương của nguời lao động và những vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực lao động thì bạn có thể liên hệ đến Luật Minh Gia bằng hình thức gửi câu hỏi qua email hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo nội dung mà Luật Minh Gia tư vấn dưới đây về việc chi trả tiền lương cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

2. Có được trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng không?

Nội dung tư vấn: Dear Luật Minh Gia,Em có câu hỏi mong Luật Minh Gia giải đáp giúp ạ? Trường hợp 1 cá nhân ký kết nhiều Hợp đồng lao động cùng lúc, thì người lao động sẽ đóng BHXH, BHTN ở Cty có giao kết HĐ đầu tiên, đóng BHYT ở Cty có mức lương cao nhất.Vậy cho em hỏi, trường hợp Cty em ký kết HĐLĐ với 1 cá nhân (cá nhân đó đã đóng BHXH ở cty khác), thì Cty em có phải trả lương cho cá nhân đó ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng không ạ, hay trả bao nhiêu cũng được tùy vào thỏa thuận giữa 2 bên ? (Vì kế toán cũ có làm HĐLĐ với 1 cá nhân ký kết HĐLĐ với nhiều nơi, mà trên HĐ không có mức lương, chỉ trả phụ cấp xăng xe, đi lại thì có hợp lý không ạ?). Và tính Thuế TNCN với lao động này như thế nào ạ. Em cảm ơn ạ.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất, tiền lương trả cho người lao động có được thấp hơn mức lương tối thiểu không.

Trường hợp 01 cá nhân ký kết nhiều hợp đồng lao động, thì người lao động sẽ được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở công ty giao kết hợp đồng lao động đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế ở nơi có lương cao hơn. Vì vậy, nếu công ty bạn sử dụng người lao động giao kết hợp đồng sau thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, mà khoản đó sẽ phải được trả trực tiếp vào tiền lương cho người lao động. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 22 Quyết định 595/QĐ-BHXH  2017 thì bắt buộc công ty bạn hàng tháng phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0,5% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Căn cứ vào Điều 90 Bộ luật Lao động 2012 quy định về vấn đề tiền lương như sau:

“1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

…”.

Tiền lương do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, mức tiền lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, do đó hai bên có thể tự thỏa thuận về mức tiền lương nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Trường hợp trong hợp đồng không ghi mức lương thì mức lương thực nhận của người lao động ít nhất cũng phải bằng mức lương tối thiểu, do đó nếu kế toán của công ty bạn có ký kết hợp đồng lao động với 01 cá nhân mà trên hợp đồng lao động không ghi mức lương, mà chỉ trả phụ cấp xăng xe đi lại là không hợp lý.

- Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân của người lao động từ tiền lương, tiền công.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau:

“a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;

...”.

Theo đó, tính thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp này bao gồm tiền lương, tiền công của người lao động và các khoản có tính chất tiền lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo