Trần Phương Hà

Có được giao kết hợp đồng có xác định thời hạn nhưng không ghi thời gian cụ thể

Hỏi về trường hợp cơ quan giao kết họp đồng có thời hạn nhưng không ghi thời han cụ thể. Em là một cử nhân kinh tế - đang công tác tại một cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh. Em được nhận vào làm việc với một hợp đồng thử việc 02 tháng từ 01/8/2017 với mức lương Chính theo ngạch 06.031, hệ số 2.34, bậc 1/9 kèm phụ cấp lương 0,1 (không có phụ cấp công vụ, phụ cấp công tác đảng & đoàn thể chính trị). mức lương em nhận được là 3.172.000 đồng

 

Sau khi hết thời gian thử việc em được ký tiếp 1 hợp đồng 06 tháng (bắt đầu từ tháng 10/2017 - hết tháng 3/2018) cũng với mức lương trên và đóng bảo hiểm XH, BHYT, BHTN theo đúng quy định. Sau khi kết thúc hợp đồng trên, hiện tại do yêu cầu cơ quan phải xin ý kiến của Tỉnh uỷ về trường hợp của em để được Hợp đồng dài hạn chờ thi tuyển công chức nên Ban Tổ chức cơ quan (bộ phận tham mưu Hợp đồng) tiếp tục tham mưu ký hợp đồng xác định thời hạn nhưng trong hợp đồng nêu thời gian từ 1/4/2018 cho tới khi có VB trả lời của Tỉnh uỷ và vẫn với mức lương trên. Tới thời điểm này đã 02 tháng trôi qua và em chưa được phản hồi từ Ban Tổ chức cơ quan. Em muốn Hỏi 1 số vấn đề liên quan tới Hợp đồng của em:

1. Mức lương em nhận được thấp hơn mức lương tối thiểu Vùng (em ở Vùng 2 theo Quy định NN)  trong khi Bộ Luật LĐ ghi rõ người sử dụng LĐ không được trả lương Thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

2. Việc cơ quan ký 1 hợp đồng xác định thời hạn nhưng không có thời gian cụ thể (hợp đồng từ tháng 4/2018  cho tới khi có VB trả lời của Tỉnh uỷ) có Đúng với việc ký kết Hợp đồng không? Kính mong được giải đáp của Luật Sư!

 

Trả lời:Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau

 

Thứ nhất, loại hợp đồng giao kết     

 

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012, hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong ba loại: hợp đồng lao đông không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động mùa vụ hoặc có thời hạn nhất định

 

Điều 22. Loại hợp đồng lao động

 

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

 

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

 

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

 

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

 

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

 

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

 

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

 

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

 

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”

 

Như vậy, khi giao kết hợp đồng lao động xác định (trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng) thì thời đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm xác định rõ thời điểm giao kết và thời điểm hết hạn của hợp đồng. Theo đó, việc đơn vị không xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Để đảm bảo quyền lợi thì bạn có thể làm đơn yêu cầu đơn vị xác định lại thời hạn hợp đồng đã giao kết.

 

Thứ hai, quy định về tiền lương trả cho người lao động.

 

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động 2012 tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động. Cụ thể:

 

Điều 90. Tiền lương

 

1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

 

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

 

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

 

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

 

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

 

Điều 91. Mức lương tối thiểu

 

1. Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

 

Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

 

2. Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

 

3. Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.”

 

Như vậy, tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động giữa đơn vị sử dụng lao động và bạn có thể thỏa thuận với nhau về tiền lương đối với công việc thực hiện.Tuy nhiên, tiền lương thỏa thuận cũng phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, việc đơn vị chi trả tiền lương cho bạn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng là chưa phù hợp với quy định pháp luật và là căn cứ để bị xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 4, Điều 13 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động. 

 

Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

 

4. Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

 

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

 

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

 

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

...

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;

 

Từ quy định trên để đảm bảo quyền lợi thì bạn có thể làm đơn yêu cầu đơn vị thực hiện đúng quy định pháp luật về tiền lương. Trường hợp đơn vị không giải quyết thì làm đơn gửi Phòng lao động và thương binh xã hội để giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV tư vấn: Phương Hà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo