Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chốt sổ bảo hiểm sau khi sinh con có tự nộp hồ sơ chế độ thai sản?

Tư vấn trường hợp sinh con sau đó mới xin nghỉ tại công ty, công ty đã chốt sổ bảo hiểm hiểm thì người lao động có tự mình nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản được không? Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi: Tôi tham gia BHXH ở công ty A từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2016. Tháng 5/2016 tôi chuyển sang công ty B làm việc nhưng sau 3 tháng thử việc, tôi mới được đóng bảo hiểm (từ tháng 8/2016). Trong thời gian làm tại công ty B, tôi mang thai và sinh con ngày 23/2/2017. Tôi nghỉ 6 tháng chế độ và xin nghỉ không lương thêm 2 tháng do sức khỏe yếu và không bố trí được người trông con. Ngay sau sinh tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ cho công ty B nhưng công ty B ko giải quyết cho tôi, với lý do là công ty B đang vướng thanh tra BHXH. Vì vậy tôi quyết định xin nghỉ hẳn ở công ty B (công ty B chốt sổ cho tôi vào tháng 11/2017). Hiện tại, tôi đang làm việc tại công ty C (từ tháng 1/2018). Với quá trình như trên, hãy cho tôi biết tôi có được hưởng trợ cấp thai sản hay không, và tôi phải làm thủ tục như thế nào? Xin chân thành cảm ơn và chúc Luật Minh Gia một năm mới An Khang Thịnh Vượng!

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi trả lời như sau:

 

Thứ nhất, về điều kiện hưởng chế độ thai sản.

 

Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

 

“2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”

 

Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc hướng dẫn thời gian 12 trước khi sinh như sau:

 

“1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

 

a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

 

b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.”

 

Như vậy, với trường hợp của bạn, nếu bạn sinh con vào ngày 23/2/2017 và tháng 2 có đóng bảo hiểm xã hội thì thời hạn 12 tháng trước khi sinh con của bạn tính từ tháng 2/2017 trở lại tháng 1/2016, trong thời gian một năm này bạn đóng bảo hiểm được 06 tháng trở lên thì bạn đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội.

 

Thứ hai, về thủ tục hưởng chế độ thai sản.

 

Khoản 2 Điều 14 Thông tư 59/2015 quy định về hồ sơ, giải quyết chế độ thai sản như sau:

 

“2. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

 

Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.”

 

Khi nghỉ theo chế độ thai sản thì cơ quan bảo hiểm sẽ có trách nhiệm thanh toán chế độ thai sản cho người lao động theo đúng quy định tại Luật bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên với người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động thì việc chi trả bảo hiểm của cơ quan bảo hiểm sẽ thông qua đơn vị sử dụng lao động đó, đơn vị sử dụng lao động phải thanh toán trước chế độ thai sản cho người lao động sau đó cơ quan bảo hiểm sẽ quyết toán lại theo quý. Còn với người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con thì cơ quan bảo hiểm sẽ trực tiếp giải quyết cho người lao động.

 

Với trường hợp của bạn, do bạn sinh con khi đang là nhân viên của công ty B do đó công ty B có trách nhiệm lập hồ sơ và gửi đến cơ quan bảo hiểm để giải quyết. Trường hợp cơ quan bảo hiểm có nghi ngờ về quá trình đóng bảo hiểm của người lao động thì có quyền thanh tra, kiểm tra. Sau khi thanh tra, kiểm tra nếu thấy bạn vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì cơ quan bảo hiểm vẫn tiến hành chi trả. Do đó, trường hợp này bạn cần liên hệ lại với công ty B, yêu cầu công ty B giải quyết chi trả chế độ thai sản cho bạn theo đúng quy định. Nếu công ty B không giải quyết bạn có thể khiếu nại tới Phòng Lao động- Thương binh và xã hội nơi công ty có trụ sở yêu cầu giải quyết tranh chấp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
 CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo