LS Thanh Hương

Cho nghỉ việc đôi với lao động nữ nghỉ thai sản có đúng hay không?

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Theo đó, nếu các bên trong quan hệ lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì cần đáp ứng những điều kiện gì? Trường hợp công ty chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ nghỉ thai sản có trái quy định pháp luật không?

1. Luật sư tư vấn chấm dứt hợp đồng lao động

Lao động là một trong những yếu tố tác động đến sự tăng trưởng kinh tế, bởi tất cả của cải vật chất và tinh thần của xã hội đều do con người tạo ra, trong đó quan hệ lao động đóng vai trò quan trọng góp phần tạo môi trường lao động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước. Tuy nhiên, với sự vận động phức tạp của nền kinh tế, quan hệ lao động thường xuyên chịu tác động không nhỏ, dến đến quan hệ bị chấm dứt. Và hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng lao động không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người lao động, người sử dụng lao động mà còn có thể gây tổn hại đến các quan hệ xã hội khác, đặc biệt nếu đó là việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Vì vậy, để bảo vệ quan hệ lao động cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ đó thì pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp bạn gặp vướng mắc trong việc xác định công ty chấm dứt hợp đồng với người lao động đã đúng quy định pháp luật hay chưa thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Cho nghỉ việc đối với lao động nữ nghỉ thai sản có đúng hay không?

Câu hỏi: Kính gửi: Các Anh/chị bộ phận tư vấn. Em có trường hợp này xin được hỏi ý kiến tư vấn của các anh/chị về việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng khi người lao động nữ nghỉ thai sản quay lại làm việc. Cụ thể như sau: Chị H làm việc cho một Công ty tư nhân, sau khi hết thời gian thai sản đi làm trở lại thì bị Công ty cho nghỉ việc với lý do không bố trí được công việc 

(và Công ty hứa xin việc cho chị H ở một chỗ làm khá xa không thuận lợi cho việc sinh hoạt hàng ngày). Theo em được biết thì Công ty làm như vậy là trái luật? Vậy anh/chị cho em hỏi em có thể kiện ra tòa Công ty này được không và thủ tục gồm những gì? Mong sớm nhận được thư phản hồi của anh/chị.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, trường hợp của bạn có hướng giải quyết như sau:

Khoản 3 Điều 155 Bộ luật lao động 2012 quy định:

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.

Như vậy, việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với H do nghỉ thai sản là trái quy định pháp luật.

Khoản 2 Điều 10 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung Bộ luật lao động quy định:

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí người lao động làm công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết; trường hợp không bố trí được công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới”.

Việc bố trí công việc khác cho lao động nữ sau khi nghỉ thai sản không có nghĩa là người lao động nghỉ việc tại nơi làm việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc tại công ty ở vị trí khác với mức lương không thấp hơn công việc trước đây. Nhưng công ty lại cho H nghỉ việc, đây là hành vi là vi phạm pháp luật.

Lúc này tranh chấp giữa H và công ty là tranh chấp lao động cá nhân về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng nên bạn có thể nộp đơn kiện công ty tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

- Đơn khởi kiện

- Bản sao CMND, Sổ hộ khẩu gia đình

- Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động (như Hợp đồng lao động…)

Nếu đơn của bạn được thụ lý thì bạn sẽ nhận được giấy triệu tập, còn nếu không Tòa án sẽ gửi lại đơn cho bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo