Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Chiếm giữ tài sản công ty khi công ty không bồi thường do sa thải người lao động trái pháp luật

Luật sư tư vấn về hiệu lực hợp đồng lao động khi sáp nhập công ty, nghĩa vụ của công ty khi sa thải người lao động trái pháp luật và hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của công ty công ty không thực hiện nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi: Dạ chào Anh/Chị Luật Minh Gia. Em tên D, em xin phép trình bày câu chuyện của em và mong các anh chị giải đáp thắc mắc.Em làm ở CTY A được hơn 6 tháng. Về Công Ty A: Cty A là một công ty Agency, và đã được mua lại thương hiệu của một Cty khác, Trước đó CTY A , là một công ty cổ phần, 60% cổ phần của Sếp tổng CTY B, và 40% Cổ phần còn lại thuộc Anh L công cty A làm giám đốc, tại công A, có một Phó giám sự kiện (Thuộc cty A) và kiêm luôn cả Trưởng phòng Maketing của cty B tên là "H". Lúc đầu em được tuyển thông qua anh L (cty A) tuyển vào làm thiết kế cho cty A. Anh L (cty) có cấp cho em 1 chiếc laptop trị giá gần 15tr đồng. Và chiếc laptop đó là từ CTY B cung cấp cho em, và được anh L (cty A) ký nhận và bàn giao lại cho em, và khi em nhận máy thì em không có ký giấy bất cứ giấy tờ xác nhận nào cả. Sau khi tranh chấp nội bộ Cty A, anh L nghĩ việc, bàn giao lại tất cả cho chị H phụ trách, lúc này, chị H chính thức làm Giám Đốc Cty A sáp nhập 100% cổ phần vào cty B, và em làm việc trên danh nghĩa cty A, nhưng lại làm cả bên cty B, thuộc cty B quản lý. Lúc này, em được ký hợp đồng chính thức trên danh nghĩa của cty A, có chữ ký của giám đốc cty A là chị H, nhưng lại không đóng mộc. Nhưng sau này cty B lại không nhận hợp đồng chính thức đó của em, nói là hợp đồng đó không có hiệu lực. Chuyện cho đến khi em bị đuổi bị ngang nhiên từ chị H, mà không được báo trước, và không có lý do, tức là sáng em vẫn đi làm bình thường cho đến khi chị H bảo là cho em nghỉ việc và chưa thanh toán lương cho em.Và khi em bước ra khỏi công ty em có mang cái laptop mà lúc trước anh L (cty A) đã cấp cho em, và khoảng hơn 3 tuần sau đó công ty có gọi em lên nhận lương và bàn giao lại máy tính, nhưng do bên cty B họ không đền bù đúng số lương khi bị đuổi nghỉ ngang. Nên em chưa bàn giao lại. Bây giờ phía cty B họ dọa sẽ kiện em ra tòa vì em chiếm đoạt tài sản của cty, và họ nói với em rằng họ có quyền đuổi em bất cứ lúc nào vì hợp đồng lúc trước em ký không có hiệu lực thì em vẫn là 1 nhân viên thử việc. Nhân viên thử việc thì sẽ bị đuổi bất cứ lúc nào khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao.Vậy bây giờ em nên cần làm gì, mong các anh chị giải đáp và cho em hướng giải quyết. (Lưu ý: hợp đồng em ký em đã bị mất, chỉ còn một bản bên phía cty giữ, và họ có hình ảnh chứng minh em có ngồi làm việc với cái máy latop đó)

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chung tôi tư vấn như sau:

 

Về hiệu lực hợp đồng lao động giữa bạn và công ty

 

Căn cứ Điều 14 Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động thì 

 

Người sử dụng lao động có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động bao gồm: Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp;…”.

 

Như vậy, việc kí kết của công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Người đại diện theo pháp luật của công ty là do Điều lệ công ty quyết định, có thể là chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám Đốc hoặc Tổng giám đốc…

 

Trường hợp này hợp đồng lao động của bạn và công ty do chị H là giám đốc của công ty A ký kết do đó nếu chị H là người đại diện theo pháp luật của công ty A thì hợp đồng có chữ ký của chị H là đúng thẩm quyền ký kết

 

Theo Điều 44 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau”

 

“ ...3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

 

4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu”

 

Theo đó, nếu Điều lệ công ty quy đinh phải đóng dấu trong các hợp đồng lao động giữa người lao đông và công ty thì hợp đồng giữa bạn và công ty sẽ bị vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định đó thì hợp đồng lao động không có con dấu của công ty nhưng có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và được công ty thừa nhận thì vẫn có hiệu lực pháp luật. Trường hợp của bạn khi có tranh chấp xảy ra các bên phải cung cấp chứng cứ nhằm chứng minh ý chí của công ty và người sử dụng lao động đối với việc sử dụng lao động như: thời gian làm việc tại công ty có xác nhận của trường bộ phận hoặc những người lao động khác tại công ty, giấy tờ nhận lương từ phía người sử dụng lao động; các giấy tờ khác liên quan đến hoạt đông của người lao động như biên bản hoạt động, bảng chấm công, quyết định bổ nhiệm,…

 

Theo điểm c, khoản 3, Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

 

“ c) Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập”.

 

Trường hợp hợp đồng lao động giữa bạn và công ty A có hiệu lực thì khi công ty A khi sáp nhâp 100% vào công ty B thì công ty B phải chịu trách nhiệm đối với hợp đồng lao động của bạn và việc công ty sa thải bạn không có lý do là trái pháp luật từ đó bạn có thể căn cứ vào nghĩa vụ do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đối với bạn để bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo quy định tại Điều 42 Luật lao động 2012 như sau:

 

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

“ 1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

 

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

 

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

Tuy nhiên việc bạn không giao lại tài sản cho công ty là trái pháp luật. Trường hợp này bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tối chiếm giữ trái phép tài sản:

 

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

 

“ 1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

 

Căn cứ theo các điều 5, điều 6, điều 15 của Nghị định 119/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động, Luật dạy nghề, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo thì khi công ty của bạn có hành vi vi phạm pháp luật lao động và xâm phạm đến quyền, lợi ích của bạn thì bạn có quyền gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp lần đầu đến chính công ty của bạn. Trường hợp bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của công ty hoặc đã hết thời hạn khiếu nại lần đầu thì bạn có thể khiếu nại lần hai lên Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty của bạn đặt trụ sở chính. Nếu bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc quá thời hạn khiếu nại lần hai thì bạn có quyền khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại và văn bản liên quan hoặc khởi kiện vụ án tại Tòa án nơi công ty của bạn đặt trụ sở chính.

 

Về việc bạn làm mất hợp đồng lao động

 

Theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành thì hợp đồng lao động phải được ký kết làm hai bản và giao cho người lao động một bản chính. Nếu bạn không thể cung cấp bản chính hợp đồng lao động thì có thể chứng minh có mối quan hệ lao động với công ty bằng cách xuất trình bảng lương, giấy lãnh lương hoặc các giấy tờ khác để chứng minh được quan hệ lao động giữa bạn và công ty.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luậ sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn Lao động -  Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo