Phạm Việt Hằng

Chế độ trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động

Tôi nghỉ việc do hợp đồng lao động hết hạn nhưng công ty nói chế độ trợ cấp thôi việc theo chính sách của công ty này không áp dụng khi nhân viên đơn phương rời tổ chức. Vậy tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc không và tôi phải làm thế nào?

 

Nội dung câu hỏi tư vấn: Tôi ký hợp đồng làm việc cho  tổ chức A từ ngày 11/7/2016. Và đã làm từ đó cho đến hết ngày 31/3/2019 theo hình thức hợp đồng hàng năm. Hợp đồng mới nhất tôi ký với tổ chức A từ ngày 28/3/2019 và hết hạn vào ngày 31/3/2019.Vào ngày 18/2/2019 tôi đã viết thư thông báo cho giám đốc dự án về việc tôi "KHÔNG GIA HẠN" hợp đồng sau khi hợp đồng lao động của tôi hết hạn vào ngày 31/3/2019 và đã được giám đốc đồng ý với thư phản hồi vào ngày 1/3/2019. Tôi đã hoàn thành việc bàn giao và làm việc cho dự án đến hết ngày 31/3/2019 và rời tổ chức từ ngày 1/4/2019.Theo quy định chế độ Thôi việc của dự án quy định (tôi xin trích nguyên văn bằng tiếng Việt được ghi trong chính sách Hành chính của dự án): "Mỗi nhân viên chính thức làm việc liên tục cho tổ chức trên một năm khi thôi việc do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc do hợp đồng lao động đáo hạn, sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc bằng một tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc. Số tiền trợ cấp được tính toán dựa trên mức lương hiện tại. Ưu đãi về trợ cấp thôi việc không áp dụng đối với người lao động từ nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước khi đạt đủ một năm công tác, và không áp dụng đối với trường hợp bị sa thải. Thời gian bị đình chỉ công tác và nghĩ không lương sẽ không được tính hưởng trợ cấp thôi việc."Theo đó, tôi đã:- Làm việc liên tục cho tổ chức  2 năm và 7 tháng (từ ngày 11/7/2016 đến 31/3/2019)- Tôi rời tổ chức khi hợp đồng đáo hạn chứ không phải tôi từ nhiệm (đơn phương chấm dứt hợp đồng khi còn hạn hợp đồng)Do vậy, theo sự hiểu biết của tôi, tôi sẽ được hưởng 2 tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc liên tục cho tổ chức  Tuy nhiên, giám đốc trả lời chế độ này không áp dụng khi nhân viên đơn phương rời tổ chức. Tôi không đồng ý với câu trả lời đó vì trong quy định không có câu chữ nào thể hiện điều giám đốc đã nói. Tôi đã viết thư hỏi lần 2 nhưng tới nay giám đốc không trả lời.Do không tìm được tiếng nói chung, nay tôi viết thư này kính nhờ Luật Minh Gia tư vấn về việc tôi có được hưởng chế độ thôi việc hay không và các thủ tục cần thiết để tôi được hưởng chế độ đó (nếu có).Tôi xin chân thành cảm ơn

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 về chế độ trợ cấp thôi việc như sau:

 

" Điều 48. Trợ cấp thôi việc

 

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc."

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn làm việc tại công ty được 2 năm 7 tháng, ngày 18/2/2019, bạn có viết thư thông báo về việc không gia hạn hợp đồng sau khi hợp đồng hết hạn và đã được giám đốc đồng ý với thư phản hồi vào ngày 1/3/2019. Trường hợp này có thể xác định giữa bạn và công ty đã có thỏa thuận về việc chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động 2012. Đối chiếu với quy định tại Điều 48 nêu trên, trường hợp chấm dứt HĐLĐ do thỏa thuận thì người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc nếu đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được 1/2 tháng tiền lương, thời gian để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 

Tuy nhiên, công ty bạn có ban hành chính sách khi nghỉ việc như sau: "Mỗi nhân viên chính thức làm việc liên tục cho tổ chức trên một năm khi thôi việc do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc do hợp đồng lao động đáo hạn, sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc bằng một tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc. Số tiền trợ cấp được tính toán dựa trên mức lương hiện tại. Ưu đãi về trợ cấp thôi việc không áp dụng đối với người lao động từ nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước khi đạt đủ một năm công tác, và không áp dụng đối với trường hợp bị sa thải. Thời gian bị đình chỉ công tác và nghĩ không lương sẽ không được tính hưởng trợ cấp thôi việc."

 

Đối với những chính sách mà công ty ban hành, nếu như có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Bộ luật lao động thì sẽ được áp dụng, còn những quy định riêng của công ty làm quyền lợi của người lao động thấp hơn so với quy định của Bộ luật lao động thì sẽ bị vô hiệu. Do đó, đối chiếu với quy chế chính sách của công ty và quy định của Bộ luật lao động năm 2012 thì khi bạn chấm dứt HĐLĐ do thỏa thuận thì bạn được chi trả trợ cấp thôi việc nếu đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được 1 tháng lương (theo quy chế công ty), tuy nhiên, thời gian để tính trợ cấp thôi việc của bạn sẽ phải trừ đi thời gian bạn đã được tham gia BHTN.

 

Trong trường hợp bạn đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc nhưng công ty không thực hiện việc chi trả chế độ trợ cấp thôi việc bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.

 

Trân trọng.

P.Luật sư tư vấn dân sự – Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo