Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chế độ khi viên chức xin đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi công tác tại phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và tham gia đóng BHXH từ tháng 5/2005, đến tháng 1/2006 tôi được xét tuyển viên chức.

 

Nay tôi có nguyện vọng xin đơn phương chấm dứt hợp đồng (do đơn vị tôi công tác nhiều tháng chưa thanh toán lương không đảm bảo cuộc sống) tôi muốn được tư vấn các chế độ khi thôi việc, cách tính. Tính đến nay tôi đã tham gia BHXH được 11 năm 4 tháng, tôi muốn tiếp tục tham gia đóng BHXH tự nguyện được không? Mức đóng hàng tháng? Nếu thanh toán 1 lần thì được hưởng thế nào, hệ số lương hiện tại của tôi là 3.33.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

 

Thứ nhất, về việc bạn muốn chấm dứt hợp đồng làm việc ( xin thôi việc)

 

Như bạn trình bày, bạn đang là viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Theo đó, Luật viên chức 2010 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc như sau: 

 

Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

"....

4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

..."

 

Nếu bạn và đơn vị không thỏa thuận được thì bạn cần thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLV theo quy định trên. Theo đó, bạn chấm dứt HĐLV đúng pháp luật thì đơn vị có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn như sau: 

 

Điều 45. Chế độ thôi việc

"1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

..."

 

Điều 39. Trợ cấp thôi việc - Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định: 

 

"1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:

a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;

c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

...."

 

Thứ hai, về việc bạn muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi thôi việc. 

 

Trường hợp bạn không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bạn có quyền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng số năm đóng BHXH của mình. 

 

Mức đóng và phương thức đóng BHXH tự nguyện được thực hiện theo quy định sau: 

 

Điều 87. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Luật bảo hiểm xã hội 2014: 

 

"1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

a) Hằng tháng;

b) 03 tháng một lần;

c) 06 tháng một lần;

d) 12 tháng một lần;

đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.

..."

Tùy thuộc vào nguyện vọng của bạn, bạn có thể lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp. Theo đó, khi bạn đóng đủ 20 năm BHXH và đáp ứng được điều kiện về tuổi đời ( 60 tuổi đối với nam; 55 tuổi đối với nữ) thì bạn sẽ đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. 

 

Thứ ba, về việc bạn muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần cho toàn bộ thời gian đã đóng. 

 

Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần - Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định như sau: 

 

"1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hộimà  chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

..."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng!

Luật gia Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo