Triệu Lan Thảo

Chế độ được hưởng khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Gửi Luật Minh Gia!Hiện nay tôi đã và đang công tác tại công ty cổ phần xi măng từ 5/2009 đến nayTôi muốn hỏi luật Minh Gia là: Tôi đang mắc bệnh khó ngủ, căng thẳng thần kinh dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể, tinh thần không ổn định, không thể đảm bảo được tốt cho công việc nên tôi muốn xin nghỉ.

 

Đồng thời cũng muốn xin nghỉ hẳn, chấm dứt hợp đồng luôn để điều trị bệnh tại nhà và sau khi khỏi bệnh sẽ tìm công việc mới.Vì vậy, tôi muốn nhờ Công ty LUẬT MINH GIA tư vấn cho tôi về:

Chế độ tôi được hưởng sau khi xin nghỉ đúng luật lao động tại công ty cổ phần xi măng ?_ Nếu tôi ốm như vậy, thì gửi đơn xin nghỉ ốm ở nhà điều trị mà chưa chấm dứt hợp đồng lao động có tốt hơn cho tôi không, trong thời gian tôi điều trị tại nhà có được hưởng chế độ như thế nào?

Nếu chấm dứt hợp đồng lao động luôn theo đúng pháp luật thì sau thời gian nghỉ việc ở công ty cổ phần xi măng, tôi sẽ được hưởng chế độ trợ cấp nào,bao nhiêu tiền/tháng?Tôi rất mong nhận được phản hồi sớm nhất từ quý Công ty để tôi có sự chuẩn bị tốt nhất cho bản thân.Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc bạn muốn chấm dứt HĐLĐ do không đủ sức khỏe để tiếp tục công việc.

 

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động -  Bộ luật lao động 2012 quy định: 

"1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

....

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

...

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.".

 

Căn cứ theo quy định trên, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu thuộc 1 trong các trường hợp theo quy định tại Điều 37 BLLĐ 2012. Theo đó, trường hợp bạn thường xuyên đau ốm và phải nghỉ ngơi tại nhà thì bạn có thể viết đơn xin nghỉ việc với lý do theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 37 và báo trước ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn. Nếu hiện tại bạn đang làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn thì bạn chỉ cần báo trước ít nhất 45 ngày và không cần lý do theo quy định tại khoản 1 Điều 37 BLLĐ. 

 

Thứu hai, về các chế độ được hưởng khi chấm dứt HĐLĐ. 

Khi bạn thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật thì bạn có thể được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định dưới đây: 

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

 

Căn cứ theo quy định trên, thời gian để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Từ ngày 1/1/2009 doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp ( từ 1/1/2015 doanh nghiệp dưới 10 NLĐ đều thuộc đối tượng đóng). Do đó, nếu toàn bộ thời gian bạn làm việc tại công ty từ tháng 5/2009 đến nay đã tham gia đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp thì bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc. 

 

Khi chấm dứt HĐLĐ bạn có quyền được hưởng quyền lợi về trợ cấp thất nghiệp theo quy địn sau:

 

“Điều 49. Điều kiện hưởng -  Luật việc làm 2014 quy định: 

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

...."

Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, bạn cần nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm cấp quận, huyện nơi mình cư trú trong thời hạn 90 ngày tính từ ngày bạn nghỉ việc

 

Thứ ba, về việc bạn muốn nghỉ việc để hưởng chế độ ốm đau.

 

Điều 25. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau -  Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định: 

"1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

...”

Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

"a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

...."

Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau

"1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

..." 

Để hưởng chế độ ốm đau, thì bạn cần có giấy xác nhận của cơ sở khám bênh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng bệnh của mình. Nên nếu, sức khỏe của bạn chỉ ở mức độ cần nghỉ ngơi tại nhà thì sẽ không có cơ sở để hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật. 

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV. Nguyễn Phương Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo