Phạm Diệu

Chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động

Em có câu hỏi thắc mắc, anh chị giải đáp cho e với ạ. Em đang là kế toán của một công ty hoạt động theo hình thức doanh nghiệp nhà nước, em làm việc đã được 4 năm và tham gia đóng bảo hiễm xã hội 4 năm rồi. Vừa qua trên đường đi làm về nhà, khoảng 14h - 15h30p em bị tông xe, mọi người đưa đi cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện, sau đó bệnh viện chuyển tuyến em xuống Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW cấp cứu, kết luận bác sĩ là em bị gãy xương gò má.

Sau 4 ngày năm viện thì bác sĩ cho em phẫu thuật nhằm cố định xương hàm gò má. Sau đó 9 ngày, bác sĩ cho xuất viện về nhà điều trị, cứ 1 tuần đi tái khám để bác sĩ theo dõi vết mổ. Chi phí em nằm viện và phẫu thuật thanh toán hơn 12 triệu, trong đó có các khảm mục bảo hiểm chi trả 80% và khoản mục trong phẫu thuật thì ghi theo yêu cầu điều trị nên gia đình em phải thanh toán. Hiện tại em đã nghỉ làm hơn 1 tháng và vẫn đang điều trị tại nhà. Cho em hỏi là em bị tai nạn được xác định trong biên bản là tai nạn lao động, vậy em được hưởng những chế độ gì, trợ cấp, phụ cấp tính như thế nào? Em xin chân thành cảm ơn quý Anh chị.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ quy định tại Bộ luật lao động năm 2012, Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH, Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì ngoài việc được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các khoản chi phí khám chữa bệnh,…  bạn còn được hưởng các chế độ sau:

 

Thứ nhất, được người sử dụng lao động chi trả các khoản:

 

"1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

 

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

 

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này" (Điều 144 Bộ luật lao động 2012 )

 

Như vậy, về phần người sử dụng, trước hết bạn sẽ được thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả; được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động trong thời gian điều trị. Về khoản bồi thường tại khoản 3 Điều 114, Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH quy định:

 

" 1. Đối tượng được bồi thường:

 

a) Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;"

 

Khoản 1 Điều 4 quy định như sau:

 

"1. Người lao động bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết trong các trường hợp sau thì được trợ cấp:

 

a) Tai nạn lao động mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động;

 

b) Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (căn cứ theo hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan công an hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giấy xác nhận của công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn)."

 

Như vậy, trước hết bạn sẽ được giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn tại Thông tư số 07/2010/TT-BYT. Sau đó căn cứ vào kết quả giám định về mức suy giảm khả năng lao động để xác định bạn có đủ điều kiện để được nhận bồi thường hoặc trợ cấp không. Trong trường hợp mức suy giảm khả năng lao động của bạn từ 5% trở lên thì bạn sẽ được nhận trợ cấp chứ không phải bồi thường vì bạn gặp tai nạn lao động khi đi từ nơi làm việc về nơi ở, do đó theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH bạn sẽ đươc hưởng trợ cấp từ phía người lao động với mức trợ cấp như sau:

 

"a) Ít nhất bằng 12 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động;

 

b) Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tra bảng theo mức bồi thường tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc tính theo công thức dưới đây:

 

Ttc = Tbt x 0,4

 

Trong đó:

 

- Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

 

- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương)”  

 

Tiền lương để tính trợ cấp được xác đinh cụ thể theo quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 6 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH như sau:

 

“b) Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương ghi trên hợp đồng lao động, bao gồm cả tiền lương theo công việc, chức danh và phụ cấp lương (nếu có);”

 

Thứ hai, được nhận trợ cấp từ phía Bảo hiểm xã hội.

 

Như bạn trình bày là bạn đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội 4 năm và theo quy định tại Điều 43 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì bạn sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau:

 

"1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

 

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

 

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

 

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này. "

 

Sau khi có kết quả giám định mức suy giảm khả năng lao động mà bạn đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp từ bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp sẽ được tính tùy theo loại trợ cấp như sau:

 

"Điều 46. Trợ cấp một lần

 

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

 

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

 

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

 

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

 

Điều 47. Trợ cấp hằng tháng

 

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

 

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

 

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

 

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. "

 

Mức lương cơ sở để tính trợ cấp: Trước ngày 01/05/2016, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng (quy định tại Nghị định 66/2013/NĐ-CP). Từ ngày 01/05/2016, theo quy định tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 thì mức lương cơ sở là 1.210.000 đồng/ tháng. Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện. Như vậy, có thể căn cứ vào thời điểm bạn ra viện để xác định mức lương cơ sở tính trợ cấp.

 

Ngoài ra, bạn còn được hưởng 25% mức lương cơ sở trong thời gian dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, căn cứ quy định tại Điều 52 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

 

“1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

 

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung".

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Hồ Thu Uyên – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo