Lại Thị Nhật Lệ

Chế độ bảo hiểm thai sản: điều kiện được và mức hưởng

Quy định của pháp luật về chế độ thai sản và mức đóng bảo hiểm xã hội.


Câu hỏi:

Xin chào Công ty luật Minh Gia. Xin nhờ phía công ty tư vấn giúp cho em về quy định đóng BHXH và chế độ hưởng thai sản như sau:

Thứ 1: em đang làm trong công ty và đã đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 3 năm 2016 hiện tại em đang mang thai và đến đầu tháng 10/2016 thì sẽ nghỉ sinh. Vậy có đủ thời gian đóng 6 tháng trước sinh để hưởng thai sản không? Mức lương đóng BHXH của em là 5 triệu/ tháng vậy nghỉ thai sản e sẽ được hưởng là 30 triệu đúng không ạ.

Thứ 2: Phía công ty nói sau khi sinh em bắt buộc phải đóng tiếp BHXH không được dừng trong vòng 2 năm tiếp sau đó theo quy định mới nếu không sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. nhưng em tìm hiểu trong Luật BHXH 2016 thì không thấy đề cập vấn đề này.vì vậy sau nghỉ sinh thì quy định đóng BH tiếp như thế nào? có bắt buộc phải đóng hay mình được lựa chọn ngừng đóng một thời gian có được không?

Thứ 3: nếu nghỉ sinh sau 6 tháng xin phía công ty nghỉ thêm và được sự đồng ý thì thì mức đóng BHXH của e sẽ thế nào?

Mong câu trả lời tư vấn từ phía Luật Minh Gia. em chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 
Căn cứ theo Điều 31 luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản:
 
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
 
a) Lao động nữ mang thai;
 
b) Lao động nữ sinh con;
 
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
 
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
 
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
 
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
 
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
 
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 31 luật bảo hiểm xã hội thì lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Bạn đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 3/2016 đến tháng 10/2016 bạn sinh con như vậy muốn được hưởng chế độ thai sản theo bảo hiểm xã hội thì bạn phải đóng đến tháng 9/2016 (đóng đủ 6 tháng).
Căn cứ theo Điều 39 quy định về mức hưởng chế độ thai sản như sau:
 
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
 
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
 
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
 
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
 
 
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.
 
Như vậy, Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Nếu mức lương trung bình hàng tháng bạn đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trước khi sinh là 5 triệu đồng/ tháng  thì số tiền bạn được hưởng là: 5 x 6 = 30 triệu đồng.
 
Căn cứ theo Điều 26 Nghị định số 95/2013/ NĐ- CP ngày 22/8/2013 quy định về vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
 
2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
 
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
 
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
 
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
 
3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
 
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
 
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
 
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
.
Như vậy, nếu sau khi bạn sinh con tiếp tục đi làm lại tại công ty mà không đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ bị phạt hành chính đối với hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc không đóng bảo hiểm xã hội; chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;  Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định …
 
Tuy nhiên, luật bảo hiểm quy định không quy định thời hạn đóng bảo hiểm xã hội là bao lâu, bạn sẽ phải thực hiện đóng bảo hiểm xã hội nếu bạn thuộc trường hợp phải đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian bạn làm việc tại công ty.
 
Nếu bạn nghỉ 6 tháng từ thời điểm trước và sau khi sinh, hết thời hạn này mà bạn muốn nghỉ thêm thì phải thỏa thuận với người sử dụng lao động, trong trường hợp này phải được sự  đồng ý của Người sử dụng lao động. Hai bên sẽ ký thoả thuận tạm hoãn hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động sẽ báo giảm lao động lên cơ quan bảo hiểm xã hội. Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động thì người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
 


 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chế độ bảo hiểm thai sản: điều kiện được và mức hưởng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Cv: Vũ Nga – Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo