Nguyễn Ngọc Ánh

Chấm dứt hợp đồng lao động và chế độ hưu trí

Công ty tôi có trường hợp 1 chị làm việc đã lâu năm có nhiều cống hiến, tới tháng 12/2015 sẽ nghỉ hưu, mới hôm qua sếp tôi mới có quyết định giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc một lần. Nhưng tôi thấy những bài đăng trên mạng thì nói phải sắp xếp cho những trường hợp này nghỉ việc trước 6 tháng nhưng tôi tìm đọc không thấy thông tin nào quy định việc cho nghỉ trước 6 tháng. Nếu vây, giờ cho chị này nghỉ thì có làm được chế độ trợ cấp thôi việc 1 lần cho chị không chứ đúng tuổi nghỉ hưu thì không


Trả lời:

Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của chị được tư vấn như sau:

Hiện tại, không có điều, khoản nào quy định về việc trước khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu thì người sử dụng lao động phải cho người lao động nghỉ trước 06 tháng.

Theo khoản 3 Điều 166 BLLĐ 2012 thì  năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Điểm 9c Khoản 4 Điều 1 Thông tư 23/2012/TT – BLĐTBXH quy định về thời điểm hưởng lương hưu như sau:

“ a) Đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm hưởng lương hưu ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội chậm nhất 30 ngày trước thời điểm người lao động được hưởng lương hưu. Trường hợp người sử dụng lao động nộp hồ sơ chậm so với quy định thì phải có văn bản giải trình nêu rõ lý do”.


Trách nhiệm của người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ tới tổ chức bảo hiểm xã hội chậm nhất 30 ngày trước thời điểm người lao động được hưởng lương hưu. Nếu trường hợp người sử dụng lao động nộp hồ sơ chậm so với quy định thì phải có nghĩa vụ giải trình bằng công văn.

Tiếp theo, nếu ban giám đốc muốn chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, thì các bên tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó, phía công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc, chốt sổ BHXH và tiến hành thanh lý hợp đồng. Bởi, đúng như chị nói, nếu người lao động trên đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, thì sẽ không được hưởng khoản trợ cấp thôi việc này.

Lưu ý: Trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc thuộc về công ty, và chỉ trả dựa vào thời gian thực tế người lao động làm việc tại công ty trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 48 BLLĐ 2012 quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

“ 1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”.


Cuối cùng, công ty có ý muốn sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng lao động với người lao động này khi người này đã đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Về cơ bản, hình thức hợp đồng hay nội dung hợp đồng không có gì khác so với người lao động bình thường. Tuy nhiên, khi ký kết hợp đồng với đối tượng này, công ty cần lưu ý các quy định sau:

Điều 166 BLLĐ 2012 quy định về người lao động cao tuổi như sau:

" 1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.

2. Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

3. Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian".


Điều 167 BLLĐ 2012 quy định về sử dụng người lao động cao tuổi như sau:
 
" 1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.

2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.

3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc."

 
Ngoài ra, công ty lưu ý về tiền lương trả cho người lao động trong trường hợp sử dụng người lao động cao tuổi theo quy định khoản 3 điều 186 BLLĐ 2012:

“ 3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định”.

Theo quy định trên, ngoài trả lương như đã thỏa thuận tại hợp đồng, công ty phải có trách nhiệm chi trả 22,5 % tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp vào tiền lương của người lao động.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chấm dứt hợp đồng lao động và chế độ hưu trí. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia Nguyễn. N. Ánh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo