Nguyễn Ngọc Ánh

Chấm dứt hợp đồng lao động trái luật có được hưởng BHTN không?

Dear Luật sư tư vấn công ty Luật Minh Gia,Hôm nay tôi viết mail này nhờ Luật sư tư vấn dùm tôi về trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đông.


Nội dung yêu cầu:

Chị tôi làm việc ở công ty A từ thang 08/2012 đến nay. Hiện tại chị tôi muốn nghỉ việc vì lý do cá nhân và lý do nay không thuộc trong các lý do mà luật đã nêu như:" a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn; b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc; c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động. "Vì chị tôi ký hợp đồng có thời hạn và sẽ hết vào tháng 08.2016, vậy nếu bây giờ muốn nghỉ sau khi nộp đơn 30 ngày được không và công ty có quyền không chấp nhận nghỉ việc không. Và vì đơn phương nên sau khi nghỉ sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp la 60% lương của 3 tháng liền kề phải không. Rất mong nhận được sự tư vấn từ quý công ty.Chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của chị được tư vấn như sau:

Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định hai trường hợp không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, mặc dù người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

" Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng".



Vậy, theo quy định trên, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

Chị có trình bày, chị gái của chị đang thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn, hiện muốn nghỉ việc vì lý do cá nhân và lý do nay không thuộc trong các lý do mà luật đã nêu như:

" a) Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn; b) Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc; c) Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động".

Theo quy định tại Điều 37 BLLĐ 2012, trường hợp người lao động thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn, muốn đơn phương chấm dứt phải thuộc cái trường hợp được nêu tại Khoản 1 Điều này, và phải báo trước một khoảng thời gian theo Luật định. Chị gái vì lý do cá nhân, nhưng không thuộc các lý do nêu trên, kể cả có báo trước 30 ngày sau đó nghỉ việc thì vẫn thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái Luật. Và dĩ nhiên, như phân tích ở trên thì chị gái sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Chúng tôi sẽ tư vấn cho chị gái hai phương án, nếu thực hiện được một trong hai phương án trên thì sẽ được xác định là chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật, và sẽ nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Phương án thứ nhất, nội dung chị nêu chỉ nhằm hướng dẫn căn cứ quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 BLLĐ 2012. Ngoài các căn cứ điểm d, Khoản 1 Điều 37 liệt kê thêm các trường hợp khác như:

" a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục".


Về thời hạn báo trước, tương ứng với mỗi căn cứ thì người lao động phải có nghĩa vụ báo trước cho người sử dụng lao động một thời gian hợp lí. Khoản 2 Điều 37 BLLĐ 2012 quy định về thời hạn báo trước như sau:

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

" a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này".


Chị có thể nghiên cứu thêm, nếu chị gái thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì có thể gửi thông báo tới ban giám đốc để được giải quyết quyền lợi. Ngoài ra, chị tham khảo thâm Nghị định 05/2015/ NĐ - CP.

Phương án thứ hai, Khoản 3 Điều 36 BLLĐ 2012 quy định về chấm dứt hợp đồng lao động theo sự thỏa thuận của các bên.

Điều 36 BLLĐ 2012 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

" ...
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động".


Bản chất của quy định trên xuất phát từ sự tự nguyện của các bên. Khi các bên tự nguyện muốn chấm dứt hợp đồng (do như cầu của cả hai phía) thì có quyền thỏa thuận chấm dứt hợp đồng mà không cần bất kỳ lý do gì. Vậy, để chấm dứt hợp đồng theo quy định trên bắt buộc phải được sự đồng ý của người sử  dụng lao động.

Chúng tôi cung cấp cho chị hai phương án, hy vọng chị gái sẽ thực hiện được một trong hai phương án trên. Nếu không thực hiện được thì buộc chị gái phải chờ tới tháng 8/2016 khi hợp đồng hết hạn, nếu không có nhu cầu thì không tiếp tục giao kết hợp đồng lao động.

Cuối cùng, về mức hưởng BHTN.

Khoản 1 Điều 50 Luật việc làm 2013 quy định về mức hưởng BHTN như sau:

" 1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc".

Mức hưởng sẽ là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng sẽ tương đương với số năm đóng BHTN, chị gái đóng được 03 năm thì sẽ được trợ cấp 03 tháng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chấm dứt hợp đồng lao động trái luật có được hưởng BHTN không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV Nguyễn. N. Ánh - Công ty Luật Minh Gia.



 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo