LS Vũ Thảo

Chấm dứt hợp đồng hay kỷ luật sa thải

Tôi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) dài hạn với Ủy ban nhân dân (UBND) huyện và được giao về tổ trực thuộc phòng Kinh tế và Hạ tầng. Ngày 19/4 đến ngày 30/4/2016 Tôi có việc gia đình nên không kịp xin ban lãnh đạo phòng nghỉ.

 

Ngày 04/5/2016 Gia đình tôi có đến gặp ban lãnh đạo phòng để xin nghỉ cho tôi đến hết ngày 31/5/2016 và được ban lãnh đạo cơ quan đồng ý với điều kiện nghỉ không lương. Ngày 01/6/2016 Tôi đến gặp ban lãnh đạo cơ quan với mong muốn tiếp tục được đi làm lại thì nhận được ý kiến phản hồi chờ ban lãnh đạo họp cả phòng lấy ý kiến xem có nên tiếp tục cho tôi đi làm lại hay không? Ngày 08/6/2016 Ban lãnh đạo phòng tổ chức bỏ phiếu kín xin ý kiến tập thể cơ quan về việc có nên tiếp tục cho tôi đi làm lại hay không? Ngày 09/6/2016 Ban lãnh đạo phòng báo với tôi là tập thể cơ quan không nhất trí cho tôi được tiếp tục đi làm. (Không có văn bản gì) Từ ngày 09/6 đến hôm nay là ngày 15/6/2016 Tôi không nhận được thông báo gì bằng văn bản của UBND huyện cũng như ban lãnh đạo phòng Kinh tế và Hạ tầng. Xin hỏi:

 

1. Thời gian tôi không đến cơ quan làm việc như trên có bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải không?

 

2. Nếu tôi bị thôi việc thì sẽ nhận thông báo từ đơn vị nào? Thời gian ra sao? Và có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, căn cứ Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải:

 

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

 

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trường phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trogj hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản , lợi ích của người sử dụng lao động;

 

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý cách chức mà tái phạm.

 

Tái phạm là trường hợp người lao động là lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỉ luật mà chưa xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ Luật này.

 

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

 

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác quy định trong nội quy lao động.

 

Như vậy, bạn đã tự ý nghỉ việc 11 ngày trong một tháng mà không có lý do chính đáng và theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều lệ của cơ quan thì cơ quan có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với bạn.

 

Thứ hai, khi đã áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải thì người đứng đầu cơ quan (Chủ tịch UBND huyện) phải ra quyết định sa thải với bạn sau khi thực hiện đúng theo trình tự xử lý kỷ luật. Nếu như không có quyết định sa thải thì về mặt pháp lý, quan hệ lao động giữa bạn với cơ quan vẫn còn tồn tại.

 

Thứ ba, việc bạn bị sa thải là có căn cư pháp luật, do lỗi của bạn nên khi bị sa thải, bạn không được hưởng trợ cấp thôi việc.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chấm dứt hợp đồng hay kỷ luật sa thải. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Trịnh Hoa - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo