Nguyễn Thị Lan Anh

Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Hiện nay, bên cạnh nguồn lao động trong nước, nước ta còn tiếp nhận một lượng không nhỏ lao động từ nước ngoài. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp lao động nước ngoài đều được sang làm việc tại Việt Nam. Vậy, trường hợp nào thì được phép làm việc tại Việt Nam?

1. Luật sư tư vấn về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

Mặc dù, pháp luật lao động nước ta không có quy định cấm người lao động nước ngoài vào Việt Nam với mục đích làm việc nhưng lại có một số quy định nhằm hạn chế sự gia nhập vào thị trường lao động nội địa.

Theo đó, người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải là đối tượng được phải được phép làm việc và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên có một số trường hợp đặc biệt, người lao động nước ngoài không cần phải cấp giấy phép lao động; nhưng người sử dụng lao động vẫn cần thực hiện thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến việc xác định cũng như thủ tục cần thiết cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, bạn cần phải hiểu rõ các quy định của pháp luật hoặc tham khảo tư vấn của luật sư. Nếu không có thời gian tìm hiểu hoặc chưa có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để luật sư của chúng tôi giải đáp và hướng dẫn cho bạn có hướng giải quyết phù hợp.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Luật sư tư vấn về cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

Nội dung tư vấn: Xin chào, tôi có thắc mắc về thủ tục cấp lại giấy phép lao động và thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài đã từng làm việc tại Việt Nam nhưng là làm việc cho một công ty khác không phải công ty tôi. Vậy tôi muốn hỏi:

- Trường hợp người lao động này đã từng làm việc cho 1 công ty khác tại Việt Nam vào năm 2012 với chức danh chuyên gia kĩ thuật nuôi trồng thủy sản (thời hạn giấy phép lao động lúc đó là 2012 - 2015). Sau đó người lao động này nghỉ việc và về lại Trung Quốc. Hiện tại công ty chúng tôi muôn cấp giấy phép lao động cho người này thì thủ tục yêu cầu những gì? Có được phép cấp cho người lao động này giấy phép lao động về mục đích khác như là giám đốc kinh doanh thức ăn thủy sản không hay bắt buộc phải cấp lại giống như giấy phép lao động cũ? Và thời gian cấp thẻ tạm trú cho người này tối đa là bao lâu?

- Thủ tục cấp thẻ tạm trú có khác gì với các trường hợp khác hay không??

 Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo điều 4 và điều 12, nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có những bước sau:

Bước 1: Đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo điều 4, nghị định 11/2016/NĐ-CP như sau:

“1. Xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

a) Người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

b) Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các Khoản 4, 5 và 8 Điều 172 của Bộ luật Lao động và Điểm e, Điểm h Khoản 2 Điều 7 Nghị định này thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho người sử dụng lao động về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc.”

Bước  2: nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.  

Khoản 1 và khoản 2, điều 12, nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định:

“1. Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo điều 10, nghị định 11/2016/NĐ-CP bao gồm:

“1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.

3. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp.

Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.

4. Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật

Đối với một số nghề, công việc, văn bản chứng minh trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động nước ngoài được thay thế bằng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Giấy công nhận là nghệ nhân đối với những ngành nghề truyền thống do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

b) Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài;

c) Bằng lái máy bay vận tải hàng không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với phi công nước ngoài;

d) Giấy phép bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay.

5. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

6. Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc cấp giấy phép lao động không bắt buộc phải đúng công việc giống như giấy phép cũ (đã hết hiệu lực). Do vậy, công ty bạn có thể cấp giấy phép lao động cho người đó với công việc khác như giám đốc điều hành, nhà quản lý... nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật.

Theo khoản 5, điều 9, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: “Thị thực ký hiệu LĐ có thời hạn không quá 02 năm.”

Ký hiệu LĐ là cấp cho người lao động. Bởi vậy, thời hạn cấp thẻ tạm trú cho người này là tối đa 2 năm.

Trong trường hợp này, sau khi được cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài này thì thời hạn cấp thẻ tạm trú theo thời hạn của Giấy phép lao động và thủ tục theo luật định, không khác các trường hợp khác.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!

Ngọc Giang - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo