Hoài Nam

Hưởng lương hưu trước tuổi như thế nào

Chào luật sư, cho tôi hỏi: Mẹ tôi năm nay 50 tuổi là giáo viên tiểu học ở tỉnh Bình Phước. Năm 53 tuổi mẹ tôi về hưu. Tôi có câu hỏi muốn nhờ quý luật sư hỗ trợ: Nếu mẹ tôi về hưu sớm 2 năm thì được hưởng chế độ như thế nào? Mẹ tôi đóng bảo hiểm từ năm 1991 tới nay. Nếu về đúng 53 tuổi thì chế độ thanh toán như thế nào? Xin cảm ơn quý luật sư!

     

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về điều kiện nghỉ hưu thì đối với nữ phải đủ 55 tuổi  và “đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên” mới đáp ứng đầy đủ điều kiện để được hưởng lương hưu.

Như vậy, nếu mẹ bạn về hưu năm 53 tuổi thì theo quy định tại khoản 1, Điều 54 Luật BHXH năm 2014 thì mẹ bạn chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng do chưa đủ tuổi về hưu. Nhưng mẹ của bạn có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đợi đến khi đủ tuổi về hưu để được nhận hưu trí hàng tháng theo như quy định tại Điều 61 Luật BHXH:

"Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội."

 

Ngoài ra, mẹ bạn cũng có thể nghỉ hưu trước tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. 

 

Giả sử, đến năm 53 tuổi, mẹ bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mẹ bạn được hưởng chế độ hưu trí. Hiện tại mẹ của bạn 50 tuổi, mẹ bạn dự định nghỉ hưu vào năm 53 tuổi tức là năm 2019. Như vậy mẹ của bạn sẽ có 29 năm đóng bảo hiểm. Từ đó có thể tính chế độ khi mẹ bạn nghỉ hưu trước tuổi như sau:

 

- Mức lương hưu hàng tháng được hưởng:

 

Khoản 2, khoản 3 Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức lương hưu hàng tháng như sau:

 

“2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:


a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;


b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.


Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.


3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.


Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.”
 
Theo quy định trên, mức lương hưu hàng tháng mà mẹ bạn sẽ được hưởng như sau:
 
15 năm đầu đóng BHXH được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH;
 
14 năm sau đóng BHXH được hưởng: 14 x 2% = 28% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
 
Tổng 29 năm được hưởng: 45% + 28% = 73% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
 
Phần trăm mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bị trừ khi nghỉ hưu trước tuổi: 2 x 2% = 4% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
 
Vậy, mẹ bạn sẽ được hưởng lương hưu với mức: 73% - 4% = 69% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hưởng lương hưu trước tuổi như thế nào. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Sơn Tùng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo