Luật sư Trần Khánh Thương

Căn cứ để công ty có thể chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Công ty tôi có 01 nhân viên đã công tác tại công ty tháng 9/2013 và cty đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Đến ngày 01/9/2016 nhân viên này xin nghỉ việc (trong đơn xin thôi việc nhân viên có ghi:

 

Xin thôi việc từ ngày 01/9/2016, ngày làm việc cuối 15/10/2016), trước thời điểm xin thôi việc và đến khi nv này xin nghỉ việc là nv nghỉ ở nhà hưởng lương do không có việc, công ty vẫn trả lương đẩy đủ.Vậy cho tôi hỏi công ty chấm dứt HĐLĐ từ ngày 06/9/2016 có đúng luật không 

 

Trả lời tư vấn:

 

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:
 
Các trường hợp để công ty chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn: (1) hai bên thỏa thuận chấm dứt trước hạn, (2) Công ty thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc (3) Công ty thực hiện thủ tục xử lý kỷ luật sa thải. Tuy nhiên, do để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với hợp đồng không xác định thời hạn công ty phải báo trước ít nhất 45 ngày, nên nếu muốn chấm dứt từ ngày 06/09/2016, Công ty có 02 cách: (1) hai bên thỏa thuận chấm dứt từ ngày 06/09/2016, hoặc (2) xử lý kỷ luật sa thải người lao động. 
 
Về căn cứ sa thải, Điều 126 Bộ luật Lao động 2012 quy định: 
 
"Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
 
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
 
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
 
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
 
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
 
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động".

Theo đó khoản 3 Điều 126 chỉ đặt ra trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc. Như vậy nếu lý do người lao động nghỉ là do công ty không sắp xếp bố trí được việc thì không phải người lao động tự ý bỏ việc để làm căn cứ sa thải. Hơn nữa về thủ tục, để sa thải, công ty cần tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động. Để tổ chức cuộc họp, công ty cần báo trước ít nhất 5 ngày làm việc và báo trước ít nhất 3 lần bằng văn bản. Theo đó kể cả trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc thì công ty cũng không kịp thời hạn báo trước để tổ chức cuộc họp xử lý sa thải theo đúng trình tự. Như vậy muốn chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật vào thời điểm ngày 06/09/2016, công ty chỉ có cách thỏa thuận với người lao động. Trường hợp công ty sa thải trái pháp luật hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động thì công ty chịu hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật lao động, cụ thể vấn đề này chúng tôi đã tư vấn qua bài viết "Xử lý về trường hợp sa thải trái pháp luật".
 
Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Ngoài ra, anh/chị có thể tham khảo thêm qua Nghị định số 05/2015/NĐ-CP có quy định và hướng dẫn đối với trường hợp của anh/chị. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169
 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo