Nguyễn Thị Thùy Dương

Cách tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu trợ cấp thất nghiệp.

Mức lương hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính như thế nào? Khi không đủ điều kiện hoặc không hưởng trợ cấp thất nghiệp thì quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp có được bảo lưu không? Đây là thắc mắc của nhiều người lao động về trợ cấp thất nghiệp, Luật Minh Gia giải đáp các vấn đề trên như sau:

1. Luật sư tư vấn về pháp luật lao động

Trợ cấp thất nghiệp luôn được người lao động quan tâm khi chấm dứt hợp đồng với người lao động. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người lao động cần nắm rõ các quy định của pháp luật về các vấn đề như: điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, … Nếu bạn có thắc mắc về một hoặc những vấn đề trên, hãy gửi câu hỏi của mình đến công ty Luật Minh Gia qua Email hoặc liên hệ Hotline: 1900.6169 để được hướng dẫn tư vấn các vấn đề như:

- Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Tư vấn pháp luật về hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Tư vấn các vấn đề pháp lý khác về pháp luật lao động.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống sau đây để có thêm thông tin về các quy định pháp luật hoặc đối chiếu với trường hợp thực tế của mình.

2. Hỏi về hưởng trợ cấp thất nghiệp

Câu hỏi: Thưa luật sư cho tôi hỏi thắc mắc về tính trợ cấp thôi việc, thất nghiệp và vấn đề bảo lưu trợ cấp thất nghiệp theo quy định, cụ thể: Tôi công tác cho công ty A từ 06/2006 đến hết tháng 1/2016. Sang tháng 2/2016 tôi xin thôi việc. Như vậy các trợ cấp cho tôi được hưởng có phải được tính như sau không, cụ thể như sau:

1) 6/2006 - 12/2009: trợ cấp thôi việc công ty A phải thanh toán cho tôi: mức tính như thế nào? Là  BAO NHIÊU THÁNG LƯƠNG? Mức trung bình lương là tính từ 7/2009 - 12/2009 hay 8/2015 - 01/2016???

2) 01/2010 - 01/2016: tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp của nhà nước là BAO NHIÊU THÁNG của 60% trung bình mức lương của 8/2015 - 01/2016?

3) Nếu trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi có công việc đi làm lại và tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian tôi chưa hưởng Bảo hiểm thất nghiệp có được bảo lưu để tính tiếp hay không?

TRẢ LỜI: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

1. 6/2006 - 12/2009: trợ cấp thôi việc công ty A phải thanh toán cho tôi: mức tính như thế nào? Mức trung bình lương là tính từ 7/2009 - 12/2009 hay 8/2015 - 01/2016?

Điều 48 Bộ luật lao động 2012 có quy định về trợ cấp thôi việc như sau:

"1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc".

Về mức hưởng trợ cấp thôi việc: Khoảng thời gian từ tháng 06/2006 tới tháng 12/2009 là 43 tháng nên anh sẽ được hưởng 4 tháng tiền lương trung bình theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi bạn nghỉ việc (06 tháng liền kề được tính từ tháng 8/2015 tới tháng 1/2016). Thời gian thực tế làm cơ sở tính trợ cấp thôi việc là 3 năm 7 tháng nên được làm tròn thành 4 năm (Điểm c Khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/ NĐ - CP).

Lưu ý: Tiền lương để tính lương bình quân làm cơ sở xác định mức trợ cấp thất nghiệp là lương theo hợp đồng lao động. Tiếp nữa, thông thường đối với doanh nghiệp trên 10 người lao động bắt buộc phải đóng BHTN từ 01/01/2009 (Luật bảo hiểm xã hội 2006). Theo đó, trợ cấp thôi việc sẽ được tính tới hết 31/12/2008 mà không phải 31/12/2009. Anh có thể kiểm tra lại thông tin, nếu chỉ tính tới 31/12/2008 thì anh chỉ nhận được 1,5 tháng bình quân tiền lương.

2. 01/2010 - 01/2016: tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp của nhà nước là bao nhiêu tháng của 60% trung bình mức lương của 8/2015 - 01/2016?

Điều 50 Luật việc làm 2013 quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

" 1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.” 

Như vậy, thời gian đóng từ tháng 01/2010 tới 01/2016 thì anh sẽ được hưởng 06 tháng trợ cấp thất nghiệp với mức 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp ( Tháng 08/2015 tới tháng 01/2016).

Lưu ý: Anh kiểm tra lại quá trình tham gia BHTN của mình. Bởi, nếu theo lưu ý phía trên thì thời gian tham gia BHTN của anh sẽ tăng lên 01 năm. Do đó, anh sẽ được hưởng thêm 1 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp. Thêm nữa, anh chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan giới thiệu việc làm nơi anh muốn hưởng BHTN trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động để đảm bảo tối đa quyền lợi.

3. Nếu trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi có công việc đi làm lại và tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian tôi chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp có được bảo lưu để tính tiếp hay không?

Trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất ngiệp của bạn thuộc điểm b khoản 3 Điều 53 Luật việc làm quy định về trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp: “ b) Tìm được việc làm;”

Khoản 4 Điều 53 quy định:

“4. Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này.

Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.”

Vậy, theo quy định trên, nếu anh có việc làm mới thì thời gian tham gia BHTN của anh sẽ được bảo lưu. Cứ 1 tháng nhận trợ cấp thất nghiệp thì thời gian tham gia BHTN của anh sẽ giảm 1 năm. Ví dụ: nếu anhđã hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với 36 tháng bạn đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp, vậy anh còn 3 tháng chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương với 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, được bảo lưu.

>> Tư vấn Cách tính trợ cấp thất nghiệp, thôi việc qua tổng đài: 1900.6169

-------------------

Câu hỏi thứ 2 - Trách nhiệm khi khai báo không đúng sự thật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Kính gửi: Công ty luật minh giaTôi có câu hỏi muốn Công ty luật minh gia tư vấn giúp:Cty A (cty mẹ) có đồng chí Ng. Văn A là đảng viên (chức vụ chuyên viên), đến năm 2014 được cty điiều chuyển sang cty TNHH (Cty con) làm PGĐ và kiêm bí thư. Trong thời gian luân chuyển đ/c Ng. Văn A vẫn đóng BHXH vs BHTN liên tục, nhưng Ng. văn A lợi dụng làm hưởng trợ thất nghiệp 6 tháng. Đến tháng 4/2017 Cty TNHH (Cty con) miễn nhiệm PGĐ vs Bí thư chuyển về cty A (cty mẹ) công tác (chúc vụ chuyên viên). Do quá trình luân chuyển nên việc chốt sổ BHXH thì bên bảo hiểm phát hiện ra Ng. Văn A đã hưởng trợ cấp TN 6 tháng. Do đó bên BHXH TP... đã có công văn yêu cầu Ng. Văn A bồi thường lại số tiền trợ cấp 6 tháng thất nghiệp.Tôi trân trọng kính mong luật sư tư vấn giúp.Trân trọng cảm ơn.

Tư vấn: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự thông qua một hoặc một số bài viết cụ thể sau đây: 

>> Xử phạt hành vi không thông báo tình trạng việc làm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp

>> Gian lận bảo hiểm thất nghiệp bị xử lý như thế nào?

Theo thông tin bạn cung cấp thì ông A đã có hành vi khai báo không đúng sự thật về tình trạng thất nghiệp của mình để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

Điều 27 nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Khoản 20 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:

"1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

....

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đúng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều này.”

Như vậy, hành vi khai báo không đúng sự thật để hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng, đồng thời buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền trợ cấp thất nghiệp đã được nhận.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo