LS Vũ Thảo

Cách tính trợ cấp thôi việc của viên chức khi có thời gian làm theo HĐLĐ?

Kính chào luật sư !Đơn vị tôi có một trường hợp viên chức (A) xin thôi việc. Quá trình công tác của viên chức này như sau: Trước năm 2006 tham gia làm việc tại một doanh nghiệp. Từ năm 2006 xin chuyển về làm việc tại đơn vị chúng tôi (đơn vị sự nghiệp công lập) theo hình thức hợp đồng lao động cho đến hết năm 2010.

 

Đến năm 2011 thì được xét tuyển dụng vào viên chức, hai bên ký hợp đồng làm việc theo hình thức hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Cuối tháng 8/2018 thì viên chức này viết đơn xin thôi việc với lý do hoàn cảnh gia đình. Tháng 10/2018, đơn vị chúng tôi có quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức này (sau 45 ngày kể từ ngày nhận đơn).Vậy cho tôi được hỏi luật sư như sau: Đơn vị chúng tôi giải quyết các chế độ cho viên chức này như thế nào ? theo từng mốc thời gian: trước năm 2006, từ 2006-2010 và từ 2011 đến tháng 10/2018 ?. Các văn bản áp dụng.Chân thành cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

 

Theo Điều 45 Luật viên chức 2010 quy định chế độ thôi việc với viên chức như sau:

 

"1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

 

a) Bị buộc thôi việc;

 

b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;

 

c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này."

 

Và Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định trợ cấp thôi việc với viên chức:

 

“1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:

 

a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

 

b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;

 

c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

 

d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

 

2. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.”

 

Như vậy, từ các quy định trên đối chiếu với trường hợp của bạn: khi viên chức A thôi việc ở đơn vị bạn thì đơn vị bạn chỉ phải chịu trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc trong khoảng thời gian A làm việc tại đây (từ năm 2006-2018), còn khoảng thời gian trước năm 2006 A làm việc ở doanh nghiệp nào thì doanh nghệp đó phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho A.

 

Theo Điều 39 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định trợ cấp thôi việc của viên chức được tính từ ngày 31/12/2008 trở về trước, mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Vì đến năm 2011 A mới được tuyển dụng vào viên chức, mà thời gian làm việc của viên chức để tính trợ cấp thôi việc chỉ được tính từ 31/12/2008 trở về trước, nên khi A nghỉ việc A không được nhận trợ cấp thôi việc nữa mà thay vào đó là hưởng bảo hiểm thất nghiệp (do thời gian hưởng trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc thực tế cho đơn vị sự nghiệp trừ đi quãng thời gian đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp).

 

Tuy nhiên, từ năm 2006-2010, A là người lao động của đơn vị bạn nên khi A nghỉ việc thì A có thể làm đơn kiến nghị để đơn vị bạn xem xét chi trả trợ cấp thôi việc cho A trong khoảng thời gian này theo Điều 48 Bộ luật lao động 2012, tức là mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc. Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc thực tế cho đơn vị sự nghiệp trừ đi quãng thời gian đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp​

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng 

Phòng Luật sư tư vấn Lao động - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo