LS Thanh Hương

Cách tính trợ cấp thất nghiệp cho người lao động

Trước ngày 30/9/2015 NLĐ làm việc tại Công ty A. Sau đó nghỉ việc tại đây và tiếp tục làm việc từ ngày 01/10/2016 tại Công ty B với thời hạn 03 tháng thử việc và không đóng bảo hiểm. Kể từ ngày 4/4/2016 tiếp tục làm việc tại Công ty C có tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hỏi sau khi chấm dứt HĐLĐ với Công ty C NLĐ có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?, mức trợ cấp được tính như thế nào?

Nội dung yêu cầu tư vấn: Từ 30/9/2015 trở về trước tôi làm việc bình thường cho Công ty A, với mức thu nhập đóng các loại bảo hiểm là 5,1 triệu (tức lương trên Hợp đồng). Từ 01/10 đến trước ngày 04/01/2016: Tôi làm việc cho một công ty B vì là thử việc nên không đóng các loại bảo hiểm. Từ ngày 04/01/2016 đến 04/04/2016: Tôi làm việc cho công ty C, mức lương đóng bảo hiểm là 42 triệu (tức lương trên Hợp đồng). Thời gian hợp đồng với công ty C này là 12 tháng, trong đó có 2 tháng thử việc nhưng vẫn có đóng bảo hiểm bình thường. Như vậy từ tháng 01 đến tháng 4 tôi làm việc cho công ty C tổng cộng 3 tháng với mức lương đóng bảo hiểm là 42 triệu (lương khai báo trên Hợp đồng).Giờ tôi nghỉ ở công ty C, với trường hợp của tôi nêu trên thì tôi có được nhận trợ cấp thất nghiệp của tôi là bao nhiêu?Theo hiểu biết của tôi thì là có. Lương tính lương thất nghiệp của tôi = (42trieu x 3) + (5.1 triệu x 3)/6 = 23.550.000 x 60% = 14.130.000đ, Không biết tôi tính vậy có đúng không? Mong các anh/chị xem xét tư vấn giúp tôiTôi xin chân thành cảm ơn các anh/chị rất nhiều.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Vấn đề bạn đưa ra chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty C, bạn sẽ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định tại khoản 1 điều 50 Luật việc làm quy định:

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc”.

Do thời gian mà bạn làm việc tại Công ty C chưa đủ 06 tháng để tính trợ cấp thất nghiệp. Thời gian 03 tháng làm việc tại Công ty B bạn không tham gia bất kỳ loại bảo hiểm nào.

Do đó thời gian để tính trợ cấp thất nghiệp của bạn sẽ bao gồm 03 tháng bạn làm việc tại Công ty C và 03 tháng làm việc tại Công ty A.

Tức là tính theo lương các tháng bạn hưởng trợ cấp như sau: 1,2,3 năm 2016 làm việc tại Công ty C. Tháng 7,8,9 băm 2015 bạn làm việc tại Công ty A.

Theo thông tin bạn cung cấp thì mức trợ cấp bạn sẽ được hưởng như sau:

(42.000.000 x 3 + 5.100.000 x 3) : 6 x 60% = 14.130.000 đ.

Cách tính mà bạn đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật.

 

>> Tư vấn quy định về tính trợ cấp thất nghiệp, gọi: 1900.6169

 

----------------

Câu hỏi thứ 2 - Phụ cấp đối với viên chức công tác tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn quy định thế nào?

 

Xin chào Công ty Luật Minh Gia! Tôi có một câu hỏi như sau: Tôi là giáo viên Tiểu học, vào tháng 9/2011, tôi được Phòng giáo dục phân công về công tác tại trường TH (thuộc vùng đặc biệt khó khăn và được hưởng thu hút mãi mãi). Đến tháng 9/2017 vì trường thừa giáo viên nên lại điều động tôi về trường TH trước đây, trường này không thuộc diện khó khăn. Nhưng nay, theo quyết định 582 của thủ tướng chính phủ duyệt thì trường mới tôi công tác thuộc vùng đặc biệt khó khăn.Vậy tôi muốn hỏi, khi tôi về trường mới thời gian này, tôi có được hưởng chế độ 582 hay không? Nếu không thì khi tôi bị điều động đi ra khỏi trường cũ thì tôi có được hưởng chế độ hay quyền lợi gì không? Kính mong quý công ty giải đáp thắc mắc giúp tôi. Tôi kính xin trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì tháng 09/2011 bạn được phân công về công tác tại trường có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đến tháng 09/2017, do trường thừa giáo viên nên bạn lại bị điều động về trước tiểu học trước đây, theo quyết định số 582/QĐ-TTg thì trường nơi bạn được điều động về thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Theo quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ sau:

 

Phụ cấp thu hút

 

Tại Điều 4 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định về phụ cấp thu hút như sau:

 

Điều 4. Phụ cấp thu hút

 

1. Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có.

 

2. Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm. Thời điểm tính hưởng phụ cấp thu hút được quy định như sau:

 

a) Nếu đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;

 

b) Nếu đến công tác sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

 

Theo quy định nêu trên thì thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm. Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu bạn đã hưởng phụ cấp thu hút 05 năm thì khi bạn được chuyển về công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bạn sẽ không được hưởng phụ cấp thu hút.

 

Phụ cấp công tác lâu năm

 

Tại Điều 5 Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp công tác lâu năm như sau:

 

Điều 5. Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

 

Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn như sau:

 

1. Mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;

 

2. Mức 0,7 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;

 

3. Mức 1,0 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.

 

Căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của bạn thì bạn có thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ tháng 09/2011, do đó bạn sẽ được hưởng phụ cấp công tác lâu năm với mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung (Mức tiền phụ cấp công tác lâu năm = Mức lương tối thiểu chung x Mức phụ cấp được hưởng theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

 

Như vậy, khi bạn chuyển về công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì bạn sẽ được hưởng chế độ trợ cấp lâu năm, với mức trợ cấp là 0,5 so với mức lương tối thiểu chung. Ngoài ra, bạn còn được hưởng một số chế độ chính sách như: Trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thanh toán tiền xe khi về thăm gia đình và chế độ trợ cấp một lần khi bạn chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo