Luật gia Nguyễn Nhung

Cách tính mức hưởng lương hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP

Chế độ hưu trí là một trong những chế độ được nhiều sự quan tâm nhất của người lao động. Vậy pháp luật quy định như thế nào về điều kiện hưởng chế độ hưu trí? Cách tính mức hưởng lương hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP?

1. Luật sư tư vấn chế độ hưu trí

Như chúng ta đã biết thì bảo hiểm xã hội đã trở thành một nhu cầu tất yếu khách quan, một trong những quyền cơ bản của con người, là sự bảo đảm bù đắp hoặc thay thế một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Trong đó, chế độ hưu trí là một trong những chế độ quan trọng nhất của hệ thống an sinh xã hội. Trong quá trình lao động, họ cống hiến sức lao động xây dựng đất nước bằng cách tạo ra thu nhập cho xã hội và bản thân. Do đó, khi họ không còn khả năng lao động nữa thì người lao đọng cần được xã hội quan tâm, đó chính là khoản tiền hưu trí hằng tháng phù hợp với tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của họ trong suốt quá trình lao động. Nguồn trợ cấp này tuy không nhiều nhưng có vai trò quan trọng và cần thiết giúp cho người lao động ổn định cả về vật chất và tinh thần.

Với tầm quan trọng như thế nên rất nhiều người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội đều đặc biệt quan tâm đến chế độ hưu trí. Tuy nhiên, do không phải người lao động nào cũng nắm rõ được các quy định pháp luật liên quan đến chế độ hưu trí nên quyền và lợi ích hợp pháp của họ không được đảm bảo. Trường hợp bạn có vướng mắc về chế độ hưu trí thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Cách tính mức hưởng lương hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP

Nội dung tư vấn: Tôi sinh ngày 25/02/1960. Tôi học sư phạm 10+2 ra trường tháng 07/1981.

- Tháng 08/1981 đến tháng 02/1986 tôi là giáo viên trực tiếp giảng dạy.

- Tháng 03/1986 đến tháng 6/1989 tôi đi bộ đội. Ra quân trở lại cơ quan công tác.

- Tháng 08/1989 đến tháng 10/2015 tôi là giáo viên trực tiếp giảng dạy.

- Tháng 11/2015 tôi xin về theo nghị định 108 của thủ tướng CP Tôi xin luật sư cho tôi biết:

- Tôi được hưởng số tiền trợ cấp khuyến khích nghỉ theo NĐ 108 là bao nhiêu?

- Tôi được hưởng số tiền đóng thừa năm đóng bảo hiểm là bao nhiêu? Và lương hàng tháng sau khi tôi nghỉ hưu là bao nhiêu?

Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư. Ghi chú: Tôi gửi cho luật sư 1 bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội để luật sư giúp đỡ.

Trả lời: Chào bác, cảm ơn bác đã gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin tư vấn trường hợp này của bác như sau:

Về khoản trợ cấp khi nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP chính sách tinh giản biên chế có quy định:

“Điều 8. Chính sách về hưu trước tuổi

1. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:

a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

b) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại Điểm b Khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;

c) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

2. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định tại Điểm a, c Khoản 1 Điều này và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.”

Về thông tin mà bác cung cấp thì:

Thứ nhất: Bác sinh ngày 25/02/1960 đến tháng 11/2015 bác xin nghỉ hưu thì lúc bác nghỉ hưu là bác 55 tuổi 8 tháng.

Thứ hai, tổng số năm bác đóng bảo hiểm là 30 năm 8 tháng.

Như vậy, theo quy định trên, nếu bác nghỉ hưu theo quy định tại Điều 6 Nghị đình này thì bác sẽ được hưởng những khoản trợ cấp như sau:

Thứ nhất, là bác sẽ được hưởng 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm 21 trở đi bác sẽ được nhận thêm 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm. Như vậy tổng cộng bác sẽ nhận được: 5 + 1/2 x 21 = 15,5 tháng tiền lương.

Thứ hai, là bác sẽ được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Như vậy bác sẽ nhận được: 3x4 +1,5 = 13,5 tháng tiền lương.

Cách tính thì được quy định tại Điều 12:

“Điều 12. Cách tính trợ cấp

1. Tiền lương tháng quy định tại Nghị định này được tính bao gồm: Tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật.

2. Tiền lương tháng để tính các chế độ trợ cấp quy định tại Điều 8 Điểm b Khoản 1 Điều 9, các Điểm b Khoản 1, Điểm d Khoản 2 Điều 10 Nghị định này được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản. Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 5 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác, thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.”

Về mức hưởng bảo hiểm xã hội.

Tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định như sau:

“Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.”

Như vậy, mức hưởng bảo hiểm xã hội của bác sẽ được tính như sau: 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho 15 năm đóng BHXH đầu, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%. Như vậy, tổng cộng bác sẽ nhận được: 45% +2% x 16 = 77%. Tuy nhiên, mức tối đa mà pháp luật quy định là 75%. Do đó, bác sẽ nhận được 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. (Do bác nghỉ hưu theo đối tượng tinh giảm biên chế nên sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi).

Vì bản quá trình bác đóng bảo hiểm gửi cho chúng tôi không đọc được nên chúng tôi chỉ có thể tư vấn cho bác cách tính mức hưởng. Bác có thể dựa vào thông tin trên để tính tiền lương và tiền trợ cấp theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Cách tính mức hưởng lương hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo