Luật sư Trần Khánh Thương

Các sai phạm của công ty trong quá trình sử dụng lao động

Xin chào quý luật sư !!! Em có vấn đề cần luật sư tư vấn. Em đang làm công ty về mặt hàng thể thao (nhân viên kinh doanh). Thử việc 2 tháng Bất đầu làm 15/5/2016.

Nhưng 15/8/2016 bên công ty mới chính thức ký hợp đồng lao động (thời hạn 12 tháng_kết thúc 15/8/2017) mức luơng chính 3.745.000 đồng (chưa tính phụ cấp), để tham gia đống bảo hiểm công ty. Công việc phân công là kênh offline, không có bản mô tả công việc rõ ràng ( trung bình tháng em lãnh tổng 7.500.000 đồng )

1. 10/1/2017. Bên công ty chấm dứt hơp đồng ( Còn thời hạn 7 tháng theo hợp đồng chính thức). Nhưng bên công ty không báo truớc ngưòi lao động làm ảnh huởng đến tinh thân và tài chính của ngưòi lao động trong dịp tết để không tính thuởng 2017, chấm dứt hợp đồng không có văn bản nêu lý do nghĩ việc rõ ràng. Nhắn tin và gửi e-mail bên nhân sự thông báo cho nghĩ.

2. Đồng thời trong quá trình làm việc bên cty không cho ngưòi lao động nghĩ tết duơng lịch(1ngày), thông báo nghĩ bù vào 1 ngày nào đó trong năm 2017. Không có ngày rõ ràng.

3. Phân công đi công tác tỉnh làm việc siêng suốt bất đầu từ 4h00 ngày 04/01 đến 05h00 ngày 05/01. Để hoàn thành yêu cầu của sếp ( kênh dự án truờng học, siêu thị), nhưng không có chế độ rõ ràng.( phụ cấp+thời gian tang ca 24h/ngày).tự bỏ tiền túi chi tiêu trong quá trình làm việc( khoảng 400.000 đồng).

 

Với những thông tin cung cấp, bên sử dụng lao động phải bồi thuờng cho ngưòi lao động nhữnh khoản nào ở 3 nội dung trên. Và thơi gian ngưòi sử dụng lao động cân giải quyết hợp là bao lâu theo yêu cầu của ngưòi lao động khi đơn phuơng chấm dứt hợp đồng để người lao động nhận lại khoản bồi thuờng đó. Thân ái !!!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn, trường hợp của bạn, chúng tôichỉ ra một số sai phạm và hướng xử lý như sau:

 

Thứ nhất, về thời gian thử việc.

Điều 27 Bộ luật lao động quy định về thời hạn thử việc

"Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác."

 

Theo đó, việc công ty thử việc từ 15/5 - 15/8/2016 (3 tháng) là trái với quy định của pháp luật. Hành vi trên là hành vi vi pháp luật, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điều 6 Nghị định 95/2013/ NĐ – CP:
 
“ Điều 6. Vi phạm quy định về thử việc

...

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần;

b) Thử việc quá thời gian quy định;

c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ 100% tiền lương cho người lao động trong thời gian thử việc đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này”.

 

Thứ hai, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động

Điều 38 Bộ Luật lao động quy định  Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

"1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng."

 

Việc công ty buộc người lao động nghỉ việc mà không có lý do chính đáng, không báo trước là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường khi có hành vi vi phạm này:

 

"Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."

 

Thứ ba, yêu cầu lao động đi làm vào ngày nghỉ tết

 

Theo quy định của pháp luật, dịp tết dương lịch, người lao động được nghỉ một ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Công ty yêu cầu lao động đi làm thì phải trả tiền lương làm thêm vào ngày nghỉ tết "ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày." (điểm c khoản 1 Điều 97 Bộ luật lao động năm 2012)

 

Thứ tư, công tác phí và tiền làm thêm giờ.

Việc công ty cử lao ddoogj đi công tác thì phải chi trả công tác phí, bạn có thể đưa hoá đơn thanh toán để yêu cầu đơn ị chi trả. Việc làm thêm ngoài thời gian làm việc bình thường được chi trả theo quy định về tiền lương làm thêm giờ:

"Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày."

 

Thứ năm, về thời hạn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Điều 202. Bộ luật lao động năm 2012 quy định Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

"1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm."

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo