Luật sư Đào Quang Vinh

Các chế độ được hưởng khi nghỉ việc tại doanh nghiệp

Chào anh, chị Anh, chị có thể tư vấn giúp em rõ ràng em sẽ nhận được những gì khi nghĩ việc a. Tiền lương cơ bản hiện nay: 9.000.000 (mỗi năm thay đổi) Tiền lương cơ bản bắt đầu: 2.000.000 Trợ cấp khác hiện nay: 2.000.000 (mỗi năm thay đổi). Trợ cấp khác bắt đầu: 600.000 Tiền cơm: 600.000 Tiền điện thoại: 300.000 Tăng ca: Dao động từ 5-6 triệu.

 

Em vào làm việc ngày đầu tiên là 13/09/2007Em sẽ nộp đơn nghĩ việc vào ngày 02/11/2016 Em muốn nghĩ việc vào ngày 02/01/2017. Bình thường, công ty em thanh toán tháng 13 cho nhân viên vào cuối tháng 12 hằng năm. Thưa anh, chị giúp em nếu em làm đúng như vậy thì em có được nhận tiền thưởng tháng 13 vào tháng 12/2016 hay không? Công ty có quyền cho em được nghĩ vào đúng 45 ngày kể từ ngày em làm giấy và không trả cho em tháng 13 không? Hoặc em muốn nghĩ trước thời điểm đó nhưng vẩn đủ điều kiện 45 ngày thì em sẽ lãnh theo tháng 13 theo tỉ lệ như thế nào. Em có được lãnh tiền trợ cấp thôi việc, tiền thất nghiệp và bảo hiểm xã hội hay không? Anh, chị có thể cho em xin số tiền từng khoảng em sẽ được nhận được không ạ. Vì hoàn cảnh em muốn nghĩ nhưng em có mượn một số tiền của anh, em làm chung khoản 20 triệu đồng, điểu này có làm ảnh hưởng khi làm nghĩ việc không? Có bị công ty giữ lại tài sản hoặc giấy tờ gì không? Ban đầu, công ty cho em làm nhân viên giao hang, sau đó nhân viên kho, sau đó làm quản lí nhưng vì khi làm quản lí không có phần phụ lục nên em không có tiền trách nhiệm, em đã làm nhưng vì công việc em không muốn làm nữa, cty trừ tiền em có đúng không. Bây giờ, cty chuyển em làm qua công việc khác, mà lương không thay đổi, em không đồng ý làm thì có bị đuổi viêc không hoặc họ cố tình ép để giảm lương của em không?  Nhờ anh, chị tư vấn rõ giúp em. Em biết ơn.

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, lương tháng thứ 13 là tên gọi một khoản tiền thưởng vào cuối năm và được thỏa thuận giữa công ty với người lao động. Tại Điều 102 Bộ luật lao động năm 2012 quy định:

 

"Điều 103. Tiền thưởng

 

1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

 

2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở."

 

Theo đó, tiền lương tháng thứ 13 sẽ được xác định dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nếu hợp đồng lao động của bạn có quy định về việc này hoặc được quy định cụ thể trong quy chế của công ty, thỏa ước lao động tập thể của công ty thì công ty có trách nhiệm trả cho bạn. Mà công ty bạn thường thanh toán lương tháng thứ 13 cho nhân viên vào cuối tháng 12. Do đó, bạn có nghỉ việc vào ngày 2/1/2017 thì bạn vẫn được hưởng lương tháng thứ 13 này. Việc bạn muốn nghỉ vào trước ngày này thì tùy vào quy định của công ty hay quy định trong hợp đồng lao động của bạn sẽ quyết định việc bạn có được nhận lương tháng thứ 13 hay không. Do bạn không nói về vấn đề này nên bạn có thể đối chiếu với quy định để xem mình có được hưởng không.

 

Thứ hai, bạn có được trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội không. Bạn làm việc từ năm 2007 đến nay thì có thể suy ra hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng không xác định thời hạn. Do đó, bạn có thể chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012:

 

"Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này."

 

Theo đó, bạn sẽ được trả trợ cấp thôi việc căn cứ quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012:

 

"Điều 48. Trợ cấp thôi việc

 

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc."

 

Còn về hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 49 Luật việc làm năm 2013:

 

"Điều 49. Điều kiện hưởng

 

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

 

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

 

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

 

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

 

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

 

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

 

e) Chết."

 

Bạn có thể đối chiếu với quy định trên để xem mình có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không. Nội dung bạn cung cấp chưa đủ để có thể tính chi tiết số tiền bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp nên bạn có thể căn cứ theo những quy định trên và quy định tại Điều 50 Luật việc làm 2013 để tự xác định.

 

Về việc hưởng bảo hiểm xã hội thì hiện nay Luật bảo hiểm xã hội 2014 không còn quy định về việc hưởng bảo hiểm  xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc khi chưa đóng đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm. Vì vậy, bạn có thể bảo lưu sổ bảo hiểm để tiếp tục tham gia khi có việc làm hoặc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đạt đủ số năm đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu hoặc chờ đến hết tuổi lao động để được giải quyết bảo hiểm xã hội 1 lần nếu tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

 

Thứ ba, bạn vay mượn số tiền của những người làm chung không ảnh hưởng gì đến việc nghỉ việc và cũng không bị công ty giữ lại tài sản hay giấy tờ gì.

 

Thứ tư, công ty chuyển bạn làm qua công việc khác, mà lương không thay đổi nhưng bạn không đồng ý làm thì có bị đuổi việc không hoặc họ cố tình ép để giảm lương không. Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì công ty có quyền chuyển bạn làm công việc khác do có nhu cầu trong sản xuất kinh doanh và không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong vòng một năm trừ khi có thỏa thuận khác và tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này khi bạn không đồng ý làm việc mà phải ngừng việc thì bạn sẽ được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật này.

 

"Điều 8. Tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác

 

Người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động tại Khoản 1 Điều 31 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

 

1. Người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:

 

a) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;

 

b) Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

c) Sự cố điện, nước;

 

d) Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

 

2. Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

 

3. Người sử dụng lao động đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.

 

4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định tại Khoản 3 Điều này mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động."

 

Do đó, bạn sẽ không bị đuổi việc hay công ty cố ép để giảm lương.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Các chế độ được hưởng khi nghỉ việc tại doanh nghiệp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv. Bùi Thảo - Công ty Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo