Trần Phương Hà

Bồi thường thiệt hại khi làm hỏng máy móc

Tôi xin làm việc tại công ty in tư nhân, người nhận tôi làm việc nói sau thời gian thử việc sẽ kí hợp đồng lao động với tôi, thời gian thử việc tôi nhận mức lương là 2 triệu tháng 11, tháng 12 là 3tr500, tháng 1 là 4 triệu. Đến đầu tháng 5 tôi nghỉ làm mà vẫn chưa kí hợp đồng lao động.

 

Vậy tôi có được tính là người lao động có kí hợp đồng hay không? Và tôi xin nghỉ làm sếp của tôi đồng ý cho nghỉ làm tôi có bị vi phạm phá hợp đồng không?

Tôi đang bị vướng 1 vụ án dân sự, làm việc không có hợp đồng lao động, với kinh nghiệm làm việc về in 4 năm như trong hồ sơ xin việc, từ tháng 4 máy móc có vấn đề tôi không xử lý, tôi đã gọi điện thoại báo cáo về tình hình máy móc nhưng sếp không xử lý ngay. Đầu tháng 5 máy hỏng nặng, sau lời kết luận của thợ chuyên sửa máy là máy móc bị hỏng do đến thời kì phải thay nhưng sếp tôi khẳng định do tôi làm và đuổi việc tôi, hôm sau t xin nghỉ làm luôn và không trả lương tháng 4 cho tôi và bắt bù tiền sửa máy. Tôi muốn hỏi trong trường hợp của tôi phải làm sao để giải quyết?

 

Bồi thường thiệt hại khi làm hỏng máy móc

Làm hỏng máy móc phải chịu bồi thường như thế nào?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị Công ty Luật Minh Gia tư vấn. Trường hợp của bạn công ty tư vấn như sau:

1. Thứ nhất, về vấn đề bạn có được tính là có ký hợp đồng hay không, chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2012 “Hợp đồng phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản.”

Theo như thông tin bạn đưa ra, bạn và sếp của bạn chưa ký bất kỳ một hợp đồng nào cho đến khi bạn nghỉ việc, do vậy bạn không được coi là người lao động có ký hợp đồng lao động. Và vì không có hợp đồng lao động nên khi nghỉ việc, bạn không vi phạm hợp đồng, thậm chí bạn tự ý nghỉ việc cũng không sao do chưa giao kết hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, bạn có quyền yêu cầu sếp của bạn ký kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động 2012 “Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”
 
2. Về vụ án dân sự bạn đang vướng mắc, công ty tư vấn cho bạn như sau:

Theo khoản 1 Điều 101 BLLĐ 2012 quy định : “Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động.”

Theo thông tin bạn đưa ra, kết luận của thợ chuyên sửa máy là máy móc bị hỏng do đến thời kỳ phải thay chứ không phải do bạn làm hư hỏng nên bạn không phải chịu bồi thường về việc máy hỏng.

Tuy nhiên, do bạn làm việc mà không có hợp đồng lao động nên không có cơ sở pháp lý để đòi tiền lương tháng 4 cho bạn.

Trong trường hợp này, bạn không phải bồi thường tiền sửa máy nhưng bạn nghỉ việc sẽ mất tiền lương tháng 4 nếu không thỏa thuận được với sếp của bạn.

 

Trân trọng!

Luật gia: Việt Hà - Công ty Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo