Nguyễn Ngọc Ánh

Bồi thường chi phí đào tạo và đơn phương chấm dứt hợp đồng của viên chức

Cho em hỏi về bồi thường đào tạo như sau: Em là Một Bác sĩ Hiện đang công tác Tại bệnh của một đơn vị hành chính sự nghiệp. Năm 2012 tôi thấy tỉnh này có Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc có thu hút nhân tài về công tác tại các đơn vị sự nghiệp có bằng tốt nghiệp là bác sĩ sẽ được hưởng 50 lần mức lương tối thiểu chung. Gia đình tôi cũng khó khăn, nên tôi đến đơn vị mới này để thi tuyển dụng dụng viên chức,

 

Ngày 14/03/2013 có quyết định tuyển dụng của Sở Y tế nhưng tôi chờ đợi mãi không có chế độ đó được chi trả,cho đến tháng 12 năm 2013 Quyết định này đã được bãi bỏ.

Đến tháng 10 năm 2013 tôi có quyết định của Sở y tế được cử đi học lớp định hướng chuyên khoa Mắt tại Hà Nội, trong thời gian đi học tôi được hưởng: tiền học phí, tiền lương chính, tiền ăn, hỗ trợ tiền ở theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Và tôi đã có đơn cam kết trước khi đi học là phục vụ 5 năm công tác tại đơn vị.

Nay tôi suy nghĩ lại giữa cuộc sống thực tế và tương lai tôi thấy mình muốn chuyển về gần nhà. Và đã làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động và đền bù toàn bộ chi phí học tập và tiền lương, tiền thưởng trong thời  gian đi học như vậy có đúng không? Xin hỏi luật sư?

Giả sử đơn vị không cho chấm dứt hợp đồng lao động và làm đơn khiếu kiện đơn vị mà tôi chuẩn bị xin về về tranh chấp lao động thì tôi có đi được không? Xin hỏi luật sư? Rất mong sự giúp đỡ từ luật sư.

 

Bồi thường chi phí đào tạo và đơn phương chấm dứt hợp đồng của viên chức

Bồi thường chi phí đào tạo và đơn phương chấm dứt hợp đồng của viên chức (Ảnh minh họa)

 

Trả lời:
 

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

Theo như anh trình bày, anh thi tuyển viên chức và trúng tuyển viên chức; có quyết định của Sở y tế. Vậy trường hợp của anh sẽ được điểu chỉnh bởi Luật Viên chức 2010; và các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết Luật.

" Điều 35. Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng như sau:
...

3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ”.


Vậy, theo Luật viên chức 2010, viên chức được đơn vi sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc thì phải đền bù chi phí đào tạo.
 
Điểm c khoản 4 Điều 36 nghị định 29/2012/ NĐ – CP quy định về các trường hợp viên chức phải đền bù chi phí đào tạo như sau:
 
“ Điều 36. Đào tạo và đền bù chi phí đào tạo 
... 
4. Viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau: 

a) Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc; 

b) Viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập; 

c) Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này”.

 
Theo như anh trình bày, anh không thuộc các trường hợp viên chức không phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 15/2012/TT – BNV nên anh phải bồi thường chi phí đào tạo.
 
“ Điều 16. Đền bù chi phí đào tạo 
...

2. Các trường hợp viên chức không phải đền bù chi phí đào tạo: 

a) Viên chức không hoàn thành khóa học do ốm đau phải điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; 

b) Viên chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyển công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý; 

c) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với viên chức khi đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô, không còn vị trí việc làm hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.


Cách tính tiền đền bù chi phí đào tạo như sau

Đối với các trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 36 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, chi phí đền bù được tính theo công thức sau: 

S = (F / T1) x (T1 - T2) 
Trong đó: 

- S là chi phí đền bù; 

- F là tổng chi phí của khóa học; 

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn; 

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn. 
 
Nếu sau khi đào tạo xong, anh đã phục vụ cho đơn vị được một khoảng thời gian T2 thì anh không phải đền bù toàn bộ chi phí đào tạo trong trường hợp anh chấm dứt hợp đồng lao động.
 
Khoản 4, khoản 5 Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc như sau:
 
Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.

5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;

c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;

đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;

e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.

6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này”.


Anh không trình bày chi tiết loại hợp đồng của anh trong trường hợp này là loại hợp đồng nào.  Nên chúng tôi tư vấn cho anh như sau:
Nếu là hợp đồng không xác định thời hạn, thì anh chỉ cần báo trước cho đơn vị 45 ngày. Sau 45 ngày, đơn vị phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán hợp đồng cho anh; nếu đơn vị không đồng ý cho anh đơn phương anh có quyền gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền hoặc tới Tòa án quận, huyện nơi công ty đóng trụ sở để được giải quyết.

Nếu là hợp đồng có thời hạn, ngoài nghĩa vụ báo trước, phải có những căn cứ tại khoản 5 Điều trên thì anh mới có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu công ty không giải quyết thì anh có quyền gửi đơn hoặc khởi kiện như trên.

Trường hợp anh tự ý bỏ việc vượt số ngày quy định trong tháng và trong năm thì anh sẽ bị xử lý kỷ luật cho thôi việc.

 

Trân trọng!
Luật gia Nguyễn. N. Ánh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo