Vũ Thanh Thủy

Hỏi về quy định bồi dưỡng độc hại trong ngành thư viện

Xin chào luật sư,Cho em hỏi, em làm trong môi trường thư viện công cộng, tiếp xúc hằng ngày với sách. Theo em biết thì những người làm thư viện đều hưởng chế độ độc hại bằng tiền (tương đương 0,1 hoặc 0,2, ... tùy theo tính chất công việc độc hại nặng nhọc) + bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật (đường sữa), chỉ trừ những người tài xế, phòng hành chánh kế toán là không được hưởng.

 

Nhưng cơ quan em nói chỉ những người phục vụ trên kho mới có tiền độc hại (hưởng 0,2) + bồi dưỡng bằng hiện vật là đường sữa, còn tụi em là người xử lý tài liệu (sách) thì chỉ hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật là đường sửa mà không có tiền độc hại. Em muốn nhờ luật sư tư vấn và trả lời dùm em để em biết mà đưa ra cấp trên và cho bộ phận hành chính kế toán nắm mà thực hiện.Theo em đọc trên web thấy có thông tư số 25/2013 của Bộ LĐTBXH thì mức bồi dưỡng bằng hiện vật đã là 10 ngàn / ngày (đối với 0,1), nhưng hiện tại cơ quan em vẫn bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật là đường sữa là 2 ngàn / ngày (mức cũ), em có nói là thấy thông tư của Bộ LĐTBXH tăng mức bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật lên 10 ngàn / ngày (0,1), nhưng bộ phận hành chính nói là chưa có nhận văn bản từ Sở về mức tăng của bồi dưỡng bằng hiện vật nên cơ quan em vẫn chi mức cũ từ bao nhiêu năm nay, nhưng em thấy đã là thông tư của Bộ LĐTBXH thì phải áp dụng chung chứ sao phải chờ công văn từ đơn vị cấp trên của mình gửi về thì mới áp dụng. Như vậy cơ quan em tính như vậy có đúng không?Cuối cùng, em mong muốn luật sư giải đáp thắc mắc dùm em về : - Người xử lý tài liệu trong thư viện có được nhận tiền độc hại không? hay chỉ những người phục vụ trên kho mới có tiền độc hại hằng tháng.- Mức nhận bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật là bao nhiêu một ngày ? Thư viện có phải chờ văn bản từ Sở ban hành mức tăng bồi dưỡng bằng hiện vật hay kg?, mặc dù thông tư của Bộ LĐTBXH đã đưa ra từ lâu?Em quá bức xúc nhưng chưa có cơ sở để nói với cấp trên và những bộ phận liên quan. Mong luật sư tư vấn dùm em. Em xin chân thành cảm ơn nhiều.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, quy định về tiền độc hại khi làm công việc nặng nhọc, độc hại:

 

Theo Điều 9 của Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 2/1/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân viên làm việc trong thư viện trường học đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông (ban hành kèm theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT) được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành Văn hoá - Thông tin quy định.

 

 

Điều 9. Đối với cán bộ làm công tác thư viện.

 

1. Mỗi trường đều phải bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác thư viện. Nếu là giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thư viện thì phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thư viện trường học, được hưởng lương và các tiêu chuẩn khác như giáo viên đứng lớp. Cán bộ thư viện trường học không phải là giáo viên, nhưng được đào tạo nghiệp vụ thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành văn hóa - thông tin quy định.

 

Các chế độ phụ cấp ngành Văn hoá - Thông tin quy định tại Mục II, Mục III và Mục IV Thông tư số 26/2006/TT-BVHTTngày 21/2/2006 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hoá - thông tin.

 

Theo đó, mức 2 (Hệ số 0,2 so với lương tối thiểu) áp dụng đối với những người trực tiếp làm các công việc sau: Kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện và viện lưu trữ; tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện, viện lưu trữ và bảo tàng.

Như vậy nếu công việc của bạn là xử lý tài liệu sách thì thuộc danh mục ngành nghề được hưởng chế độ phụ cấp độc hại.

 

Thứ hai, bồi dưỡng bằng hiện vật:

 

Căn cứ Điểm a, Khoản 2, Điều 2 và Điểm b, Khoản 4, Điều 3 Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại như sau:

 

Điều 2. Điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng.

 

2. Mức bồi dưỡng:

 

a) Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:

 

- Mức 1: 10.000 đồng;

 

- Mức 2: 15.000 đồng;

 

- Mức 3: 20.000 đồng;

 

- Mức 4: 25.000 đồng....".

 

"Điều 3. Nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật...

 

4. Mức bồi dưỡng cụ thể đối với từmg người lao động được xác định như sau:...

 

b) Người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (10.000 đồng) đối với người lao động làm các công việc không thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiếm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiếm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, nhưng đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiếm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm...".

 

Vì vậy, căn cứ Điểm a, Khoản 2, Điều 2 và Điểm b, Khoản 4, Điều 3 người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (10.000 đồng) hay mức 2 (15.000 đồng) đối với nhân viên thư viện trường học.

 

Thứ ba, vấn đề áp dụng thông tư 25/2013/TT-BLDTBXH:

 

Ngoài ra tại Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLDTBXH về phạm vi và đối tượng áp dụng bao gồm:

 

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

 

1. Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

2. Thông tư này áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực tập hay học nghề, tập nghề (sau đây gọi chung là người lao động) làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã sau:

a) Các cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp; lực lượng vũ trang (bao gồm cả lực lượng làm công tác cơ yếu);

b) Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;

c) Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;

d) Hợp tác xã;

đ) Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế có trụ sở đóng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Các tổ chức khác có sử dụng lao động.

Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã trên sau đây gọi chung là người sử dụng lao động.

 

Như vậy, nếu cơ quan bạn thuộc các trường hợp như theo quy định trên thì cần phải tuân thủ và áp dụng theo thông tư này mà không cần có văn bản từ cơ quan cấp trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo