Nguyễn Kim Quý

Bệnh viện có được trừ số tiền bảo hiểm không thanh toán vào doanh thu?

Bệnh viện tôi có chỉ định một số bệnh nhân đi xét nghiệm nhưng cuối quý bảo hiểm không thanh toán chi phí của những xét nghiệm này nên bệnh viện đã trừ vào doanh thu của khoa khám bệnh. Ai có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.

Nội dung tư vấn: Kính gửi luật sư: Cho em hỏi tại Bệnh viện em trong thời gian vừa rồi tại khoa khám bệnh có một số bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm Helicobacter pylori Ag test nhanh, Và một số bệnh nhân được chỉ định đồng thời cà chỉ định xét nghiệm Helicobacter pylori Ag test nhanh và Nội soi dạ dày - tá tràng. Nhưng cuối quý thì bảo hiểm xuất toán (không chấp nhận thanh toán) đối với các chỉ định xét nghiệm trên, với lý do là không thực hiện đúng theo điều kiện quy định tại thông tư 39/2018/TT-BYT và thông thư 13/2019/TT-BYT. Và khi chấp nhận xuất toán bệnh viện đã trừ nguyên số tiền bảo hiểm đã xuất toán này vào doanh thu ròng của khoa khám bệnh. Vậy quý luật sư cho e hỏi: Bệnh viện đã trừ nguyên số tiền này vào doanh thu của khoa khám bệnh là đúng hay sai. Và những ai, những bộ phận nào phải có trách nhiệm gánh chịu những thiệt hại này. (Em xin trình bày thêm là: tại quy chế chi tiêu nội bộ của bệnh viện hiện hành có quy định " Doanh thu từ dịch vụ xét nghiệm thu được sau khi trừ chi phí hóa chất, khấu hao máy móc… thì doanh thu sẽ trích về khoa xét nghiệm là 50% và khoa có chỉ định là 50%".  - Rất mong được sự quan tâm và góp ý từ quý luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc bệnh viện trừ tiền vào doanh thu của khoa khám bệnh

 

Bệnh viện bạn có chỉ định bệnh nhân xét nghiệm nhưng cuối quý thì bảo hiểm không thanh toán đối với các chỉ định xét nghiệm của bệnh viện bạn. Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, nguyên tắc thanh toán của bảo hiểm như sau:

 

“Điều 24. Thanh toán theo giá dịch vụ

 

1. Thanh toán theo giá dịch vụ là phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cấp có thẩm quyền quy định và chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu chưa được tính vào giá dịch vụ được sử dụng cho người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

2. Thanh toán theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trừ chi phí của các dịch vụ y tế đã được thanh toán theo phương thức khác.

 

3. Nguyên tắc thanh toán:

 

a) Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng thống nhất đối với các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc;

 

b) Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa tính vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì thanh toán theo giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

 

c) Chi phí máu và chế phẩm máu thanh toán theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

…”

 

Thông tư 39/2018/TT-BYT sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 13/2019/TT-BYT quy định xét nghiệm Helicobacter pylori Ag test nhanh vẫn thuộc danh mục dịch vụ áp dụng mức giá thống nhất đối với các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và vẫn được bảo hiểm y tế thanh toán, tuy nhiên, dịch vụ xét nghiệm Helicobacter pylori Ag test nhanh chỉ được thanh toán nếu người bệnh không nội soi dạ dày hoặc tá tràng nên với những bệnh nhân mà bệnh viện bạn chỉ định cả xét nghiện Helicobacter pylori Ag test nhanh và nội soi dạ dày – tá tràng, bảo hiểm y tế không thanh toán. Việc trừ số tiền này vào doanh thu của khoa nào của bệnh viện thì thuộc về quy chế chi tiêu nội bộ của bệnh viện nên việc bệnh viện trừ số tiền thực hiện dịch vụ xét nghiệm vào doanh thu của khoa khám bệnh là đúng hay sai thì chưa thể khẳng định được, bạn có thể tham khảo quy chế nội bộ của công ty để xem xét thêm.

 

Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

Điều 130 BLLĐ 2012 quy định về bồi thưởng thiệt hại như sau:

 

“Điều 130. Bồi thường thiệt hại

 

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

 

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”

 

Như vậy, nếu người lao động của bệnh viện có hành vi gây thiệt hại cho bệnh viện thì bệnh viện có quyền yêu cầu người lao động đó phải bồi thường thiệt hại cho công ty. Nguyên tắc yêu cầu bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức đọ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh gia đình, nhân thân của người lao động, tức là nếu bệnh viện chứng minh được về việc người lao động có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho bệnh viện thì bệnh viện có quyền yêu cầu người lao động đó bồi thường.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo