Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Bảo hiểm chi trả thế nào trong trường hợp bị tai nạn lao động

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp khi bị tai nạn trong lúc làm việc mà trước đó mới làm việc được một tháng và chưa ký hợp đồng lao động thì có được cơ quan bảo hiểm chi trả không? và sau khi giám định sức khoẻ và thương tật, muốn khởi kiện công ty đó vì đã bỏ mặc người bị nạn và đòi bồi thường thiệt hại có được không? Nội dung tư vấn như sau:


Nội dung đề nghị tư vấn:
  
Kính gửi tổng đài tư vấn pháp luật Minh Gia, tôi làm nghề thợ hàn, hiện đang làm việc cho công ty TNHH MTV Nhuận Lộc Phát đang gia công ống cho dự án Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/06/ 2015 tôi được phân công hàn ống nằm trên độ cao 5 mét, trong quá trình làm việc ống bị rơi xuống đất và hất đổ giàn giáo, tôi bị ngã xuống và bị dập hết lá lách và phải cắt bỏ hoàn toàn. Trong thời gian tôi cấp cứu và mổ ở bệnh viện công ty đã không quan tâm và cắt cử người hỗ trợ. Vì mới vào làm việc một tháng nên tôi chưa được ký hợp đồng lao động, hiện nay tôi vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh. Vì hiểu biết có hạn nên tôi không biết phải làm thế nào khi yêu cầu công ty làm biên bản tai nạn nhưng họ không chịu làm, nay tôi xin hỏi trong trường hợp của tôi không có hợp đồng lao động, không có biên bản tai nạn vậy tôi có thể đưa hồ sơ bệnh án yêu cầu bảo hiểm thanh toán có được không?  Hai nữa sau khi giám định sức khoẻ và thương tật, tôi muốn khởi kiện công ty đó vì đã bỏ mặc người bị nạn và đòi bồi thường thiệt hại có được không?

Trả lời tư vấn:
 
Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
Đối với câu hỏi thứ nhất, bạn sẽ được bảo hiểm thanh toán trong trường hợp sau đây:
 
“Điều 38. Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
 
Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 của Luật này.  
 “Điều 39. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
 
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
 
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
 
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
 
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.”
 
Trong trường hợp của bạn thì bạn tham gia lao động tại công ty mới được một tháng thì nếu bạn đã tham gia đóng BHXH và có mức độ suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thì mới có thể yêu cầu cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí điều trị, khám chữa bệnh.
 
Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, gồm:

+ Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đã xác định đóng bảo hiểm xã hội đến tháng trước khi bị tai nạn lao động;

+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người sử dụng lao động;

+ Biên bản điều tra tai nạn lao động;

+ Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi đã điều trị thương tật tai nạn lao động ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú;

+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.

+ Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội theo Sổ bảo hiểm xã hội (mẫu số 04A -HSB hoặc mẫu số 04B-HSD);

+ Quyết định hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng hoặc trợ cấp 1 lần của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố hoặc Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ (mẫu số 03A-HSB hoặc mẫu số 03B-HSB).

Bên cạnh đó nếu bạn có thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám bệnh chữa bệnh….theo quy định của luật bảo hiểm y tế.

Đối với câu hỏi thứ hai, bạn có thể khởi kiện công ty tại tòa án vì đã bỏ mặc người bị nạn và đòi bồi thường thiệt hại theo các căn cứ sau đây:
 
Điều 142, Bộ luật lao động 2012 có quy định về tai nạn lao động như sau:
 
“Điều 142. Tai nạn lao động
 
1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
 
Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.
 
2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.
 
3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ.
 
Theo như bạn trình bày thì bạn làm nghề thợ hàn đang làm việc tại công ty TNHH MTV Nhuận Lộc Phát. Ngày 28/06/ 2015 anh được phân công hàn ống nằm trên độ cao 5 mét, trong quá trình làm việc ống bị rơi xuống đất và hất đổ giàn giáo, anh bị ngã xuống và bị dập hết lá lách và phải cắt bỏ hoàn toàn. Do đó theo điều 142 bộ luật lao động 2013 thì đó là tai nạn lao động bởi vì là tai nạn khiến anhh bị dập lá lách, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Như vậy mặc dù giữa bạn và phía công ty chưa có hợp đồng lao động nhưng bạn tham gia lao động và làm các công việc theo nhiệm vụ và sự phân công của công ty nên khi xảy ra tai nạn lao động thì phía công ty vẫn phải có nghĩa vụ đối với bạn như những người lao động đã ký hợp đồng lao động với công ty theo điều 144, Bộ luật lao động như sau:
 
“Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
 
1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
 
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
 
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
 
Đồng thời bạn có các quyền theo quy định tại điều 145, bộ luật lao động 2012 như sau:
 
“Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
 
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
 
2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
 
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
 
3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
 
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
 
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
 
4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

 

Trân trọng!
CV: Ngọc Anh – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo