Trần Phương Hà

Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi người nước ngoài gây tai nạn

Luật sư tư vấn trường hợp người nước ngoài đi ngược chiều gây tai nạn làm hư hỏng về xe thì phải bồi thường thế nào? Trường hợp họ chưa bồi thường mà có dấu hiệu xuất cảnh thì làm thế nào? Nội dung tư vấn như sau:

 

Nội dung câu hỏi: Ngày 21.11 e đang điều khiển xe máy đi trên đường thì bỗng có 1 chiếc xe máy đi ngược chiều (không biết lý do) bị té nằm ngang ngay trước phần đường mà em đi tới. Xe e bị hư hỏng mức trung bình, người cũng bị xây xát nhẹ. Nhưng bên gây ra tai nạn thì xe máy nát phần đầu, người thì cũng bị xây xát nặng hơn e một xíu. Người điều khiển xe gây tai nạn là người nước ngoài, cả 2 bên đều có giấy tờ bằng lái đầy đủ. Việc của e chưa được giải quyết vì người kia đang nằm viện để băng bó vết thương. Và người cho thuê xe đứng ra giải quyết. Nhưng bên công an yêu cầu phải có người điều khiển xe mới chịu giải quyết.  Em muốn bên kia phải bồi thường. Cho em hỏi có cách nào giải quyết nhanh để em có thể đưa xe ra sớm và quyền lợi em nên được hưởng là gì.và nếu người nước ngoài kia lên máy bay về nước trong khi vụ việc và sự bồi thường chưa được giải quyết xong sẽ ntn. Em rất sợ bị kéo dài thời gian xử lý vì em không có nhiều thời gian rảnh.Mong được phản hồi sớm. Em cảm ơn.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, người nước ngoài điều khiển xe máy đi ngược chiều gây ra tai nạn cho bạn nhưng hiện nay người này cũng bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Do đó, cơ quan công an có quyền lập biên bản và chờ người đó điều trị ổn định để lấy thông tin làm căn cứ ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy tắc giao thông của người trực tiếp điều khiển phương tiện.

 

Còn đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại cho bạn, trường hợp xác định hành vi điều khiển xe của người nước ngoài có vi phạm quy tắc giao thông dẫn đến thiệt hại về sức khỏe và tài sản của bạn thì đây được xác định là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:

 

"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."

 

Việc bồi thường thiệt hại trước tiên sẽ do các bên tự thỏa thuận ( cơ quan công an không có thẩm quyền xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này ). Do đó, trong khi chờ đợi cơ quan công an xác định vi phạm đối với các bên trong vụ tai nạn thì bạn vẫn có thể thỏa thuận với bên gây tai nạn về việc bồi thường thiệt hại hoặc thỏa thuận về việc bên cho thuê thực hiện việc bồi thường thay cho người nước ngoài. Việc bồi thường thiệt hại sẽ trên nguyên tắc quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

"Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

 

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình"

 

Trường hợp bên gây thiệt hại không tự nguyện thực hiện việc bồi thường thiệt hại thì bạn có thể gửi đến đến Tòa án nhân dân để yêu cầu giải quyết. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu thấy người gây thiệt hại có hành vi xuất cảnh nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường cho bạn thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn " Cấm xuất cảnh" với người đó.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Phòng Luật sư tư vấn Dân sự - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo