Nguyễn Kim Quý

Xúc phạm, đe dọa người khác bị xử lý như thế nào?

Tôi có quen biết và có con với người chưa ly hôn vợ. Anh ta sống chung với tôi nhưng có những lời chửi bới, lặng mạ con gái riêng của tôi, thậm chí đe dọa tôi là sẽ giết con trai tôi. Hành vi của anh ta sẽ bị xử lý như thế nào?

Nội dung tư vấn: Kính thưa luật sư, tôi tên N, đã có 1 đứa con gái 18 tuổi. và 4 năm trước tôi có quen anh N, anh nói đã li thân, nên chúng tôi quen nhau và có 1 đứa con trai năm nay gần 4 tuổi. Trong thời gian qua lại tôi biết anh chưa li hôn, nhưng do có thai nên tôi tự sinh con và nuôi dưỡng, trong thời gian đó anh có qua lại để thăm con và vợ anh không phản đối trong 1 năm gần đây, anh ta thường xuyên kiếm chuyện chửi bới con gái riêng của tôi (nào là con hoang, con quỷ cái, tệ nạn xã hội, học nhiều sau này cũng đi làm đĩ...thậm chí cấm con gái tôi động vào hoặc chơi với con trai tôi), cho dù con tôi cố tránh mặt, không nói gì, ko có hỗn hào chửi lại gì. Tôi thấy tội nghiệp con tôi nên muốn cắt đứt mối quan hệ nhưng anh N ko đồng ý và ra điều kiện 1 là nếu anh ta đi là anh ta bắt con trai tôi đi, ko thì con riêng của tôi phải đi ra khỏi nhà, nếu không thì anh ta bắt con trai và giết chết cho tôi hối hận suốt đời...v.v..cha mẹ tôi đều mất, anh chị e không hợp nhau, con gái tôi chỉ có 1 mình tôi là người thân, giờ anh ta vô lí kêu nó phải đi, trong khi nhà của tôi, đồ đạc đều của tôi, anh ta chỉ ghé qua ở. mà giờ ra lệnh kẻ cả, đòi đánh giết, tôi sợ quá, không biết nhờ cậy ai, ko ai giúp đỡ, lo cho con tôi. Mọi lỗi lầm đều do tôi tạo ra, giờ con gái tôi ăn ko dám ăn, đi đứng ko dám lên tiếng trong khi ở nhà mẹ ruột của mình. Tôi bế tắc quá, xin luật sư chỉ tôi cách xử lí, không thì tôi sợ 2 đứa con tôi có chuyện gì, tôi cũng ko sống nổi

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Vì anh N vẫn chưa ly hôn với vợ nên bạn và anh N chưa có quan hệ hôn nhân hợp pháp, nếu bạn và anh N nếu có chung sống với nhau thì chỉ là quan hệ chung sống như vợ chồng. Do vậy, để chấm dứt quan hệ với anh N, bạn có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh N cư trú không công nhận quan hệ vợ chồng đồng thời giải quyết quyền nuôi con chung của 2 bên và chia tài sản chung để chấm dứt việc chung sống với anh N theo quy định tại Điều 53 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Khi giải quyết việc không công nhận quan hệ vợ chồng giữa bạn và anh N thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề về con chung, nếu 2 bên không có thỏa thuận thì Tòa án nhân dân sẽ quyết định giao con cho một bên nuôi căn cứ vào điều kiện của cả 2 bên theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, nếu bạn có được những điều kiện tốt nhất cho con như điều kiện về chỗ ở ổn định lâu dài, thu nhập, thời gian chăm sóc cho con và điều kiện nhân thân không gây ảnh hưởng tiêu cực đến con,… thì Tòa án sẽ xem xét giao con cho bạn nuôi.

Mặt khác, theo những thông tin bạn cung cấp thì anh N có hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của con gái bạn, thì bạn hoặc con gái bạn có thể gửi đơn trình báo ra cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc kèm theo những căn cứ chứng minh như: bản ghi âm, ghi hình, lời khai của người làm chứng,… Nếu hành vi chửi bới, lăng mạ này của anh N xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của con gái bạn (ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của con gái bạn thì anh N sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

…”

Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì anh N sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”

Ngoài ra, con gái bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để buộc anh N công khai xin lỗi cháu, đính chính thông tin sai lệch và bồi thường thiệt hại cho cháu nếu có thiệt hại xảy ra trên thực tế theo quy định tại Điều 34 BLDS 2015:

“Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

Về việc anh N có hành vi đòi đánh giết con trai của chị thì vì chưa có căn cứ rõ ràng, cũng như chưa có sự việc xảy ra trên thực tế nên anh N chỉ có thể bị xử lý về hành vi này theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Như vậy, bạn có thể đưa đơn ra Tòa án yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng giữa bạn và anh N và yêu cầu giải quyết về quyền nuôi con sau khi ly hôn. Ngoài ra, nếu có đầy đủ bằng chứng chứng minh về việc anh N có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự cua con gái bạn thì con gái bạn có thể làm đơn trình báo ra cơ quan công an hoặc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo