Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Xử lý hành vi bạo lực gia đình như thế nào?

Luật sư tư vấn về việc xử lý hành vi bạo lực gia đình. Khi có hành vi bạo lực gia đình thì phải làm thế nào để bảo vệ người bị bạo hành. Văn bản pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào, Nội dung hỏi và trả lời cụ thể như sau:

1. Tư vấn quy định về hành vi bảo lực gia đình

Câu hỏi: Chào luật sư Công ty Luật Minh gia, tôi muốn hỏi trường hợp: Chồng em gái tôi bồ bịch, về nhà thường xuyên đánh vợ và lăng nhục vợ rất dã man. Gia đình dùng tình cảm khuyến khích rất nhiều lần, nhưng đến nay cả nhà hai bên đều bất lực. Hỏi em gái tôi lúc này phải nhờ chính quyền nơi cư trú, tòa án, viện kiểm sát như thế nào để được bảo vệ. Tôi làm đơn đến chính quyền, viện kiểm sát có được không? Thủ tục làm đơn?

>> Luật sư tư vấn về chế độ HNGĐ, liên hệ: 1900.6169

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi đề nghị tư vấn đến Luật Minh Gia, trường hợp bạn hỏi chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình như:

"a, Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b, Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;"

Theo bạn trình bày thì người chồng thường xuyên đánh đập và lăng nhục người vợ, do vậy người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Theo khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình thì người vợ trong trường hợp này có các quyền sau đây:

“a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật”

Theo đó, nếu muốn chấm dứt hành vi bạo lực gia đình thì người vợ hoàn toàn có thể thực hiện các quyền nói trên để đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ cho người vợ trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

“1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình”.

Như vậy, trong trường hợp này bạn có thể:

- Nộp đơn tới Ủy ban nhân dân xã trình bày về việc người vợ bị đánh đập, lăng nhục để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Nếu hành vi bạo lực ở mức độ nghiêm trọng, tàn ác, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe và tinh thần của người vợ thì bạn có thể nộp đơn tố cáo đến công an về tội cố ý gây thương tích hoặc tội hành hạ người khác theo Bộ luật hình sự.

>> Giải đáp thắc mắc về xử lý hành vi bạo lực gia đình, gọi: 1900.6169

2. Các hình thức xử lý hành bạo lưc gia đình được quy định thế nào?

Câu hỏi: Thưa Luật Minh Gia. Cháu là cô bé 15 tuổi trọng một gia đình tại vùng nông thôn . Hôm nay cháu có câu hỏi muốn hỏi Luật sư . Khác với những gia đình khác nếu với bạo lực gia đình  thường là bố đánh mẹ nhưng với gia đình cháu thì khác hoàn toàn . Đó là một gia đình bạo lực gia đình bởi người ông nội 77 tuổi. Ông hay đánh mắng chửi rủa gia đình cháu nhất bảo là lúc không có bố cháu ở nhà. Nhiều lấn ông dùng dao, kéo định đâm mẹ cháu khi mang thai. Và còn rất nhiều lần  ông cầm dao đuổi đánh bà và mẹ cháu. Ông suốt ngày chửi mắng mọi người trong gia đình Vậy trang Web có thể giúp cháu nếu như kiện ông thì có được không ạ. Ông chịu hình phạt gì ạ .Nếu ông cháu 77 ly hôn với bà cháu 74 tuổi thì có được không ạ và nếu được thì có chia tài sản không ạ ông nhiều lần đánh đập và dọa giết bà. Xin trân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, xử lý hành vi bạo lực gia đình:

Căn cứ theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình như:

"a, Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b, Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

Đồng thời  theo Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 qui định về hình thức xử lý hành vi bạo lực gia đình như sau:

“1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.”

Theo đó, việc ông bạn thường xuyên có hành vi  "đánh mắng chửi rủa gia đình, cầm dao đuổi đánh bà và mẹ,..." được xác định là hành vi bạo lực gia đình. Từ đó theo mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định 167/2013/NĐ - CP. Cụ thể

Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

... 2.Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình ..

Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình

....

Ngoài ra nếu mức độ nghiêm trọng của vụ việc thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự về các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác nếu xác định được tỷ lệ thương tích,.... Như vậy hướng giải quyết vấn đề này bạn hoàn toàn có thể tố giác đến cơ quan công an và có thể nhờ đến chính quyền địa phương can thiệp như Ủy ban nhân dân, các cơ quan bảo vệ quyền lợi phụ nữ như Hội liên hiệp phụ nữ để đảm bảo trước hết là an toàn tính mạng, sức khỏe của thành viên gia đình.

Thứ hai, quyền ly hôn của bà.

Căn cứ theo quy định tại điều 51 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì ly hôn là quyền của một trong hai bên vợ chồng. Nếu cả ông và bà đều tự nguyện muốn ly hôn thì thực hiện ly hôn theo hình thức thuận tình. Còn trường hợp bà có căn cứ cho rằng hiện tại bà bị bạo lực gia đình hoặc mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được thì bà có quyền đơn phương xin ly hôn. 

Khi giải quyết ly hôn sẽ thực hiện phân chia tài sản chung của ông và bà sẽ do hai ông bà thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì phân chia theo nguyên tắc sau:

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Xử lý hành vi bạo lực gia đình như thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo