LS Vũ Thảo

Xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sau khi ly hôn với người Trung Quốc phải làm thế nào?

Tư vấn trường hợp đã đăng ký kết hôn với người Trung Quốc tại Trung Quốc sau đó ly hôn cũng tại cơ quan có thẩm quyền tại Trung Quốc, nay muốn làm thủ tục ghi chú ly hôn để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nhưng phòng tư pháp ủy ban nhân dân quận yêu cầu "giấy giới thiệu".

Nội dung tư vấn: Kính gửi anh(chị)! Tôi có thắc mắc về vấn đề ghi chú li hôn như dưới đây mong được sự trợ giúp của quý công ty: Tôi có đăng kí kết hôn với chồng cũ là người Trung Quốc tại Trung Quốc và li hôn năm 2014 tại cơ quan có thẩm quyền tại Trung Quốc. Giấy thông báo li hôn hiện tại tôi giữ có đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền bên Trung Quốc với cả hai bản tiếng Việt và tiếng Trung. Theo như tôi có tham khảo qua internet, đối với các giấy tờ liên quan đến hôn nhân thì Trung Quốc được miễn hợp pháp lãnh sự tại Việt Nam, nay tôi xuất trình giấy chứng nhận li hôn đến phòng tư pháp uỷ ban nhân dân quận nơi tôi thường trú để xin ghi chú li hôn với mục đích xin giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân sau đó tại uỷ ban nhân dân phường thì được yêu cầu lên đại sứ quán Trung Quốc "xin giấy giới thiệu" rồi mới được làm thủ tục ghi chú li hôn. Anh chị cho hỏi " giấy giới thiệu " tại đây có phải là giấy chứng nhận lãnh sự hay hợp pháp hoá lãnh sự không? Và trong trường hợp của tôi có cần phải xin hợp pháp hoá lãnh sự hay không? Rất mong nhận được sự hồi âm sớm của anh(chị)! Tôi xin chân thành cảm ơn! 

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:

Theo quy định của pháp luật thì bạn không cần phải lên Đại sứ quán Trung Quốc để xin giấy chứng nhận lãnh sự hay hợp pháp hóa lãnh sự. Hợp pháp hóa lãnh sự Giấy chứng nhận ly hôn về mặt hình thức là việc chứng thực chữ ký, con dấu trên Giấy chứng nhận ly hôn do cơ quan hoặc tổ chức nước ngoài cấp để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam. Về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước Việt nam chỉ chấp nhận xem xét Giấy chứng nhận ly hôn đã được hợp pháp hóa lãnh sự Giấy chứng nhận ly hôn , trừ trường hợp pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 29 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1988 thì các loại giấy tờ dân sự (thương mại, hôn nhân gia đình, lao động) và hình sự sẽ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự dùng cho mục đích tương trợ tư pháp. Do đó, trong trường hợp của bạn không cần phải xin hợp pháp hóa lãnh sự.

Thực chất ở đây bạn thuộc trường hợp đã ly hôn ở nước ngoài về thường trú tại Việt Nam và có yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nên phải làm thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài được quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định 123/NĐ-CP.

Thẩm quyển ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn quy định tại Điều 42 Nghị định 126/2014/NĐ-CP như sau:

“1. Sở Tư pháp mà trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó người yêu cầu đã đăng ký kết hôn hoặc ghi vào sổ việc kết hôn trước đây, thực hiện ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài.

Sở Tư pháp căn cứ vào tờ khai ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài của người yêu cầu, sổ hộ tịch đang được lưu giữ để xác định nơi đăng ký kết hôn hoặc ghi vào sổ việc kết hôn trước đây.

2. Trường hợp công dân Việt Nam ở nước ngoài về thường trú tại Việt Nam có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn mà việc kết hôn trước đây đã được đăng ký tại Cơ quan đại diện hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi công dân Việt Nam thường trú.

3. Trường hợp công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn mà việc kết hôn trước đây đã được đăng ký tại Cơ quan đại diện, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà chưa ghi vào sổ việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thì việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi công dân Việt Nam cư trú trước khi xuất cảnh, nếu việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn không nhằm mục đích kết hôn.

Trong trường hợp việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn nhằm mục đích kết hôn thì thẩm quyền ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn thuộc Sở Tư pháp nơi người yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.”

Vì bạn đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền ở Trung Quốc nên bạn thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, theo đó bạn cần đến Sở tư pháp nơi bạn thường trú để làm thủ tục ghi chú ly hôn.

Hồ sơ ghi chú ly hôn được quy định tại Điều 44 Nghị định 126/2014/NĐ-CP bao gồm:

a) Tờ khai ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo mẫu quy định;

b) Bản sao bản án, quyết định ly hôn của Tòa án nước ngoài đã có hiệu lực thi hành; bản sao bản thỏa thuận ly hôn do Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài công nhận đã có hiệu lực thi hành; bản sao các giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận việc ly hôn;

c) Bản sao Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế để chứng minh nhân thân của người có yêu cầu;

d) Bản sao giấy tờ để chứng minh thẩm quyền ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn.

2. Hồ sơ nêu trên được lập thành 02 bộ, gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp có thẩm quyền.

Lưu ý giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.

Sau khi làm xong thủ tục ghi chú ly hôn, bạn đến Ủy ban nhân dân phường làm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

1. Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định này thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu.

Còn “giấy giới thiệu” mà Ủy ban nhân dân phương yêu cầu thì bạn nên đến Ủy ban hỏi lại công chức tư pháp – hộ tịch cho rõ, vì theo quy định của pháp luật bạn không cần phải đến Đại sứ quán Trung Quốc để xin giấy hợp pháp hóa lãnh sự và cũng không quy định bạn phải lấy “giấy giới thiệu” nào.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến  bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo